TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 79 CN 02.04.2007

 

Web site:www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

Hoặc : tinvuivietnam@gmail.com

Mục lục

Chúa Nhật Lễ Lá C..

NGHỊCH LÝ CỦA LỜI HOAN HÔ..

Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic về Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể.

Ðức Hồng Y Renato Raffaele Martino, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Mục Vụ Di Dân, tham dự Hội Nghị về vấn đề Di Dân Tại Ðài Loan.

DỨC THÁNH CHA GẶP GỠ VÀ CỬ HÀNH NGHI THỨC THỐNG HỐI VỚI CÁC BẠN TRẺ ROMA  

Tĩnh Tâm Mùa Chay 2007 Tại Nhà Thờ Hà Bầu, Giáo hạt Pleiku, Giáo phận Kontum..

Liên Hiệp Các Bề Trên Thượng Cấp Liên Tu Sĩ Việt Nam Ðến Thăm Giáo Phận Kon Tum Và Hành Hương Thăm Viếng Ðức Mẹ Kon Plông.

Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Saigòn được tuyển sinh hằng năm..

SUY NIỆM TAM NHẬT VƯỢT QUA..

THỨ NĂM TUẦN THÁNH..

THỨ SÁU TUẦN THÁNH..

THỨ BẢY TUẦN THÁNH..

SỰ PHẢN BỘI “ĐÁNG THƯƠNG”.

Ngài Đã Nhìn Tôi

Alleluia có nghĩa là gì?.

Tưởng nhớ nhân lễ giỗ 2 năm ĐTC  Gioan Phaolô II ( 02/04/2005 -02/04/2007)

ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II,

VỊ GIÁO HOÀNG DU HÀNH..

Tài liệu tĩnh tâm linh mục Giáo phận Phú Cường 2007 ( tiếp theo)

LỜI THỨ BA “NÀY LÀ CON BÀ, NÀY LÀ MẸ CON” (GA 19,16-17)

GM. Giuse Vũ Duy Thống.

I. MẪU TÍNH CỦA ĐỨC MARIA  Mới mẻ An cần Hiệu quả  II. ĐỨC MARIA TRONG ĐỜI SỐNG LINH MỤC  Sống như Mẹ Sống với Mẹ Sống nhờ Mẹ  ***  LỜI THỨ BA “NÀY LÀ CON BÀ, NÀY LÀ MẸ CON” (GA 19,16-17)

THẤP CAO CAO THẤP.

TRONG ÐẠO..

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

Chúa Nhật Lễ Lá C

 

Bài Thương Khó  Lc 22, 14 - 23, 56 

 

NGHỊCH LÝ CỦA LỜI HOAN HÔ

 

 

Diễn tiến của bài Tin mừng hôm nay làm nổi bật hình ảnh Đấng Cứu Chuộc hiền lành và dõng dạc vào thánh Giêrusalem với lời tán tụng của muôn dân. Cuộc khải hoàn không hoành tráng, ngựa xe võng lọng, không màu mè bởi bích chương và những bài chào mừng; không lẵng hoa, thảm đỏ, kèn trống. Phải chăng do khâu tổ chức luộm thuộm ? Không phải như thế Đấng nhân danh Chúa hoàn toàn không muốn những hình thức bên ngoài. Chúa cần tấm lòng. Và những lời hoan hô được cất lên, những manh áo được trải xuống, cành lá thay cho vòng hoa chiến thắng. Ngài bình an đi vào thành trên lưng lừa con không kẻ cả đắc thắng, nhưng chất chứa những nỗi niềm và ưu tư cứu độ.

 

Cuộc đi vào thành của Chúa bình dị bao nhiêu thì bài Thương Khó lại diễn tả cảnh bi ai bấy nhiêu. Một nghịch lý và nhiều trái khuáy. Lời hoan hô chưa kịp khô nơi cửa miệng dân chúng, lời hung dữ lại được cất lên nghe chất chứa và ghê sợ” đóng đinh nó đi’. Vua Bình an bị lột trần, nhục mạ đầy cay đắng. Mặc cho những lời nhạo báng khinh khi. Ngài vẫn thư thái đĩnh đạc trả lời: “ Ta là Con Thiên Chúa” – tức là Đấng Cứu Chuộc – Đấng mà muôn dân vẫn mong đợi. Thế nhưng tuyên ngôn này lại bị chối phắt đi ngay toà đời và nơi công nghị.

 

Cái bất công đi đến tận cùng khi người ta giong Chúa đi để đóng đinh, để giết chết như đồ rác rưởi thì người ta lại thấy hình ảnh Đấng Cứu Chuộc yêu thương bao dung, tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm, và tuôn chảy đến giọt máu cuối cùng để minh chứng tình yêu. Chính bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ Chúa cũng cảm thông minh hoạ về hình ảnh Đấng Mêsia phải chịu đau khổ và thư Philip nói đến sự khiêm hạ vô cùng của Chúa Giêsu vì yêu nhân loại. Cuộc khải hoàn của Chúa không phải để nhận những lời tán tụng thuần tuý, nhưng là để nói cho chúng nhân biết cách yêu của Chúa, qua sự vâng lời của Thiên Chúa chu toàn thánh ý nhiệm mầu. Ngài đi từ đau khô thập giá đến vinh quang phục sinh, và Thiên Chúa đã tôn vinh Người. Cuộc khải hoàn đó mới là lời tán tụng cần vang lên mãi.

 

Lời tụng ca vang lên từ miệng chúng nhân khi theo Chúa vào Giêrusalem đã bị lung lạc bởi ghen tương, ích kỷ, và sự mau chóng quên lời Thiên Chúa. Sự nghịch lý của lời hoan hô là như thế, lạc điệu do không có sự chân thực và nhát đảm. Nghịch lý đã đầy tới một kết cục đầy bất công và tội lỗi. Đấng vừa được hoan hô đã bị kết án. Đấng xứng muôn lời ca tụng lại bị khinh khi. Sự thay đổi đến chóng mặt của miệng lưỡi thế gian là thế, nhưng nó lại không cản ngăn được tình yêu của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Tình yêu đã thể hiện được sự chung thuỷ của Thiên Chúa và không hề lỗi hẹn, đã thể hiện sự tinh ròng làm cho chân lý được rạng ngời.

 

Sẽ còn là nghịch lý nhiều hơn, bởi vì hôm nay người ta không muốn Chúa khải hoàn nữa. Nếu Chúa xuất hiện hôm nay chắc chắn Ngài cũng lại bị đóng đinh, xử tử. Người ta muốn Ngài không tồn tại, bởi vì có Chúa vào sao thấy mệt quá. Hơn nữa, con người cũng cảm thấy hôm nay có thể thay Chúa điều khiển vũ trụ được rồi, không cần Ngài nữa ! Và những Kitô hữu hôm nay cũng vậy, luôn ứng xử với Chúa bằng bao nhiêu nghịch lý. Hoan hô đó rồi lại cũng đóng đinh đó. Biết bao lần chúng ta tội lỗi là bấy nhiêu lần chúng ta đang lên án Chúa Giêsu. Đó là chưa kể những bất công mà chúng ta đã gây cho tha nhân trong thói ăn nết ở, hay khi chúng ta sử dụng những tài nguyên không công bình và trật tự làm ảnh hưởng đến môi trường sống của chính chúng ta và thế hệ sau chúng ta…

 

Khi quan sát cộng đoàn cử hành Lễ Lá, chúng ta thấy gì ? Cũng cằm lá, cũng hát ca, cũng quì mọp khi Chúa tắt hơi thở cuối cùng, thế nhưng con người vẫn dửng dưng trước tình yêu Chúa. Hoặc chỉ băn khoăn đôi chút trên con đường trở về, rồi lại vô cảm trước nỗi đau của tha nhân. Rồi lại sống bất công.

 

Ước mong sao cuộc khải hoàn của Chúa năm nay có được những lời tụng ca của những con người sám hối chân thành, của sự sống chân tình với nhau trong khu xóm, giáo xứ, của sự ăn ở không bất công với tha nhân và môi trường và nhất là sự nghen tương được tình yêu hy sinh cảm hoá. Chúa Giêsu đang muốn nghe lời hoan hô ấy hôm nay.

 

Lm. Đaminh Nguyễn Đức Trung

 

TU ĐỨC

 

 

LINH MỤC LÀ NGƯỜI PHỤC VỤ

 

Lễ hôm nay, quen gọi là lễ Truyền Dầu. Các dầu này sẽ được dùng trong nhiều bí tích. Người được phép sử dụng các dầu này phải là người có Chức Thánh. Duy chỉ có các vị đó được phép sử dụng các dầu này khi ban các bí tích mà thôi. Đến nỗi có thể nói: Có Linh Mục thì có thể có Dầu Thánh, mà không có Linh Mục thì cũng bằng không.

 

Vì thế, cao điểm của lễ hôm nay là chức Linh Mục. Để ý thì thấy: Các kinh nguyện, các lời Kinh Thánh trong lễ hôm nay đều tập trung vào chức Linh Mục. Khi nói về Linh Mục, Giáo Hội trong lễ hôm nay đã nhắc đi nhắc lại đến 3 lần một câu Kinh Thánh. Câu đó thế này: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó ”. Sở dĩ, nhắc đi nhắc lại câu đó, vì chính câu đó nói lên bản chất đích thực của Linh Mục.

 

Anh chị em thân mến,

 

 “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó ”. Câu đó giúp cho người ta nhìn vào Linh Mục và giúp Linh Mục nhìn mình cho đúng.

Linh Mục là ai?

 

- Thưa là người được sai đi.

Ai sai đi?

 

-Thưa là Thánh Thần Chúa, qua các Bề Trên Giáo Hội.

Sai đi để làm gì?

 

-Thưa, sai đi để gieo vãi Tin Mừng cứu độ, qua các bí tích và lời rao giảng.

Sai đến với ai?

 

-Thưa, đến với những người nghèo khó: Nghèo của, nghèo tình thương, nghèo chân lý, nghèo ơn nghĩa Chúa.

 

Vì Linh Mục là kẻ được sai đi, nên Ngài phải hoàn toàn lệ thuộc vào kẻ sai mình.

 

Vì Linh Mục là kẻ được sai đi đến với những người nghèo, nên đời Ngài phải là đời phục vụ.

 

Khi nói Linh Mục lệ thuộc vào Chúa, thì không phải chỉ là lệ thuộc trong luật lệ giáo lý và tổ chức Giáo Hội, nhưng nhất là phải lệ thuộc vào sự sống Chúa, như cành với cây, tới mức có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi ”.

 

Khi nói Linh Mục phục vụ anh em, thì phục vụ không phải là trợ giúp bất cứ sự gì, mà là đáp ứng đúng lúc nhu cầu thích thời của anh em, trong khả năng và quyền hạn của mình.

 

Nghĩ như thế, nên tôi nhiều khi ví Linh Mục như một con kênh. Con kênh tốt là con kênh thường xuyên ăn thông và lệ thuộc vào chính nguồn không bao giờ cạn, để lúc nào cũng có nước chảy đi chảy lại. Cũng thế,

 

Linh Mục tốt là người thường xuyên gắn bó với Chúa là nguồn mạch vô biên, để lúc nào cũng có trong mình dồi dào ơn Thánh Chúa.

 

Con kênh tốt là con kênh có nước trong lành, để người ta uống và tắm rửa, cũng như cho hoa màu luôn mọc tươi xanh. Cũng thế, Linh Mục tốt là người không sống và làm việc cho mình, nhưng thực sự sống và làm việc để phục vụ người khác, đem lại sự sống siêu nhiên và an vui cho các linh hồn.

Phải nhận thật nhiều, để rồi cho đi thật nhiều. Phải mở thật rộng hướng về phía Chúa. Phải mở thật rộng hướng về phía anh em. Đó là lý tưởng Linh Mục.

 

Ai cũng hiểu Linh Mục như thế rồi, thì sẽ biết ý kiến phê phán cho rằng: “Linh Mục là người tuyên truyền một ý thức hệ. Không. Linh Mục không phải là người theo và tuyên truyền một ý thức hệ. Phải nói rằng: Linh Mục là người thông truyền một sự sống, sự sống của Thiên Chúa. Chính tôn giáo mà Linh Mục giữ và giảng cũng không phải là một ý thức hệ, nhưng là một cuộc gặp gỡ sống động và thân tình giữa một người với Đức Kitô hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

 

Chính vì thế, mà chức vụ Linh Mục không có gì đáng cho ai phải nghi ngờ gì cả. Trái lại, đây là trái tim, một khối óc, một bàn tay có thể đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng hạnh phúc cho đồng bào, cho đất nước.

 

Tuy nhiên, khi hàng Linh Mục chúng tôi ý thức về tính cách cao cả và những đòi hỏi khó khăn của chức Linh Mục, chúng tôi cũng đồng thời nhận biết sâu xa sự yếu đuối của mình. Sự yếu đuối của bản thân mình chính là một gánh nặng khổ đau, thêm vào bao nhiêu gánh nặng khổ đau, cay đắng khác đè trên vai chúng tôi.

 

Nhưng càng biết mình yếu đuối, chúng tôi càng tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi và chọn chúng tôi, mặc dầu chúng tôi yếu đuối.

 

Trong lễ hôm nay, mọi người linh mục, cũng như giáo dân, chúng ta sốt sắng cảm tạ Chúa đã ban chức Linh Mục và các linh mục cho chúng ta. Các Dầu Thánh sẽ nhắc lại bao nhiêu bí tích chúng ta đã nhận qua chức Linh Mục. Tất cả đều là chứng tích của tình yêu Chúa. Nhìn vào tình yêu đó, để đáp lại bằng tình yêu.

 

Lạy Chúa,

 

Xin cho con gặp được cái nhìn yêu thương của Chúa hôm nay, để con ý thức sâu xa hơn nữa rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên con, Người đã sai con đem Tin Mừng cho người nghèo khó ”. Amen.

 

GM GB. Bùi Tuần 

 

 

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

 

 

Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic về Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể.

 

(Radio Veritas Asia 34/03/2007) Quý vị và các bạn thân mến. Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic là Tổng Thư Ký của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới. Trưa ngày 13 tháng 3 năm 2007, ngài đã cùng với Ðức Hồng Y Angelo Scola mở cuộc họp báo tại Vatican, để giới thiệu tông huấn về Bí Tích Thánh Thể cho giới báo chí. Trong thời gian qua, mục thời sự đã trình bày với quý vị và các bạn từng phần bài thuyết trình này. Mục thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi giữa ngài và hãng tin Zenit, về Tông Huấn hậu thượng hội đồng giám mục. Trong cuộc trao đổi này, chúng ta thấy Ðức Tổng Nikola Eterovic muốn nhấn mạnh đến phần thứ III của Tông Huấn, và làm nổi bật tương quan giữa bí tích thánh thể và tình thương phục vụ người nghèo. Ðây, kính mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc phỏng vấn.

Hỏi 1: Thưa Ðức Tổng, có phần nào hay đoạn nào trong Tông Huấn về bí tích Thánh Thể được ngài chú ý đến nhiều hơn hay không?

Ðáp: Vâng, có chứ. Ðức Thánh Cha chỉ cho chúng ta biết như thế nào Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Tại hai nơi trong Tông Huấn, ÐTC đã nhắc đến các vị thánh như là mẫu gương cho đời sống thánh thể.

Ngày 23 tháng 10 năm 2005, lúc kết thúc khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, đã có năm vị Chân Phước được tôn phong lên bậc hiển thánh. Và đây là lần phong hiển thánh đầu tiên của Ðức Bênêđitô XVI. Năm vị tân hiển thánh này có lòng sùng mộ bí tích Thánh Thể cách đặc biệt. Ðó là các tân hiển thánh sau đây: Thánh Giám Mục Josef Bilcwewski, người BaLan; ba tân hiển thánh linh mục, Cha Gaetano Catanoso, Cha Zygmunt Gorazdowski và cha Alberto Hurtado Cruchaga; và vị thánh thứ năm là Tu Sĩ Ca-pu-xin, thầy Felice da Nicosia. (số 4).

Cuối tông huấn, ÐTC nhắc đến nhiều vị Thánh, bắt đầu với những vị thánh thời các thế kỷ đầu --- (số 94) --- là những vị có thể được gọi là "những vị Thánh của Bí Tích Thánh Thể."

Hỏi 2: Thưa Ðức Tổng, sau khi đã chỉ cho biết như thế nào trong hai phần đầu của Tông Huấn, mọi người kitô đều được mời gọi "nội tâm hoá" đời sống thánh thể, qua việc đào sâu đức tin, cầu nguyện tự cá nhân, cử hành tốt mầu nhiệm tình thương Ba Ngôi Thiên Chúa trong Phụng Vụ, thì trong phần III, ÐTC đã dùng ngôn ngữ cụ thể và mạnh hơn. Phần thứ III của Tông Huấn chỉ cho chúng ta biết làm sao để thể hiện đời sống bí tích trong cảnh sống hằng ngày, trong cái nhìn toàn cầu, vừa nhắc đến chứng tá công khai của đức tin cho những giá trị không thể nhượng được. Số 87 của Tông Huấn mời gọi các tín hữu "hãy tố cáo những hoàn cảnh vô nhân" trong đó nhiều người phải chết vì đói, nạn nhân của bất công và của sự lạm dụng khai thác.

Thưa Ðức Tổng, có đúng như thế không?

Ðáp: Ðúng vậy. Mọi sư đến từ Bí Tích Thánh Thể. Những Hoa Trái ruộng đất, mà chúng ta dâng lên Chúa, là những hoa trái tự nhiên, từ thiên nhiên, và cũng là quà Thiên Chúa gởi đến. Các tạo vật đều tốt lành. Nhưng chúng ta luôn nhìn thấy những món quà này bị làm hư do bởi những lạm dụng và những bóc lột.

Ðây cũng là hoa trái của cuộc sống bí tích, một cuộc sống luôn cố gắng làm tất cả những gì có thể, để cống hiến cho thế hệ đến sau khả thể mang bánh và rượu lên dâng trên bàn thánh, để rồi nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần và lời truyền phép của linh mục, bánh và rượu này được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô.

Hỏi 3: Như thế "môi sinh học của Kitô giáo" không thuộc loại "môi sinh học ý thức hệ", nhưng là một môi sinh mang tính cách thánh thể. Có đúng vậy không, thưa Ðức Tổng?

Ðáp: Ðúng vậy, bí tích ThánhThể phải cống hiến cho chúng ta một tu đức có sức chiếu sáng cuộc đời của mọi người nam nữ, trong mọi lãnh vực hoạt động.

Khía cạnh tiêu cực của việc toàn cầu hoá là người giàu càng ngày càng trở nên càng giàu thêm, trong khi đó người nghèo càng ngày càng không có đủ của ăn nuôi sống hằng ngày. Ðây là một gương mù. Nơi số 91 của Tông Huấn, ÐTC nhắc đến, như một thí dụ, rằng chỉ cần không bằng một nửa số tiền dành cho việc sản xuất vũ khí, để đủ nuôi sống người nghèo trên thế giới. (số 90). Ðây là trách nhiệm to lớn của người kitô. ÐTC kêu gọi mọi người kitô và tất cả mọi người thiện chí, hãy dấn thân làm sao để chấm dứt nạn đói trên thế giới.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

Ðức Hồng Y Renato Raffaele Martino, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Mục Vụ Di Dân, tham dự Hội Nghị về vấn đề Di Dân Tại Ðài Loan.

 

Ðài Loan, Việt Nam (23/03/2007) - Từ ngày 16 đến 19 tháng 3 năm 2007, Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan tổ chức những ngày hội nghị thảo luận về những vấn đề di dân tại Ðài Loan. Ðức Hồng Y Renato Raffaele Martino, người Ý, 75 tuổi, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Mục Vụ Di Dân, từ Vatican đã đến Ðài Loan ngày 14 tháng 3 năm 2007 để tham dự Hội Nghị này. Chính quyền Ðài Loan và Giáo Hội Ðài Loan đã đặc biệt hoan nghênh viên chức cao cấp của Tòa Thánh Vatican.

Trước cuộc hội nghị, Tổng Thống Trần Thủy Biển của Ðài Loan và Ngoại Trưởng James Huang Chih Fang đã đón tiếp Ðức Hồng Y Martino tại văn phòng tổng thống. Tổng thống Trần Thủy Biển đã nói với Ðức Hồng Y rằng chuyến thăm của ngài sẽ làm cho các di dân ở Ðài Loan "cảm nhận được sự ấm áp, tình thương và quan tâm của Tòa Thánh". Tổng thống còn cám ơn Giáo hội địa phương đã mở các trường học và bệnh viện, và chăm sóc những người bị xã hội bỏ rơi, người ngoại quốc lấy chồng Ðài Loan, người nghèo nông thôn và di dân. Theo Tổng thống, chính quyền và người dân Ðài Loan "duy trì mối quan hệ hết sức nhân đạo và rộng lượng với Tòa Thánh". Tổng thống hy vọng Ðài Loan và Tòa Thánh sẽ tiếp tục đẩy mạnh giao lưu và hợp tác.

Tổng Thống Ðài Loan còn nhờ Ðức Hồng Y chuyển lởi thỉnh cầu của ông đến Ngoại Trưởng Tòa Thánh xin thay đổi lập trường khép kín với Ðài Loan và nới lỏng những điều hạn chế với các giới chức chính quyền Ðài Loan viếng thăm Vatican.

Sau cuộc gặp gỡ Tổng Thống Ðài Loan vào buổi sáng, chiều hôm đó, trường Ðại Học Công Giáo Phụ Nhân ở Ðài Bắc đã có buổi lễ trao tặng Ðức Hồng Y Martino Văn Bằng Tiến Sĩ Danh Dự về Triết Học. Hiệu Trưởng trường Ðại Học là Ông Li Chien Chiu nói rằng văn bằng này tôn vinh sự đóng góp của Ðức Hồng Y cho hòa bình và công lý trong xã hội nhân loại.

Phát biểu tại buổi lễ trao tặng này, Ðức Hồng Y Paul Shan Kuo-Hsi của Ðài Loan trích dẫn lời của Ðức Hồng Y Martino cam kết trong các vấn đề như giải trừ quân bị, phát triển, giải quyết vấn đề đói nghèo, nhân quyền, người tị nạn và tự do tôn giáo. Ðức Hồng Y Ðài Loan năm nay đã 83 tuổi và đã về hưu vào tháng1 năm 2006.

Sau các buổi gặp gỡ trên, Ðức Hồng Y Martino đã tham dự Hội Nghị về vấn đề Di Dân do Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan tổ chức tại Ðài Bắc từ ngày 16 đến 19 tháng 3 năm 2007. Ðức Hồng Y đã có một bài thuyết trình. Ngài đã nói về "Hoan nghênh và coi sóc người ngoại quốc trong Erga migrantes caritas Christi" (tình yêu Chúa Kitô dành cho di dân).

Các Giám Mục và các nhân viên Giáo hội phụ trách vấn đề di dân của các nước chung quanh Ðài Loan: Thái Lan, Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Indonesia... cũng được mời đến tham dự hội nghị này. Ðại diện cho Việt Nam có Ðức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám Mục phó Giáo phận Cần Thơ, Cha Hoàng Văn Trụ, linh mục chánh xứ cộng đoàn người Hoa tại Nhà Thờ Phanxicô Xaviê Saigòn (Nhà Thờ Cha Tam), Cha Ðổ Văn Ánh, giáo sư môn Thần học Tôn giáo và môn Di dân tại Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Saigòn. Phái đoàn từ Việt Nam đã có những bài thuyết trình nói về tình hình di dân Việt Nam tại Ðài Loan và cuối bài có nói lên ước vọng, mong rằng Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan sẽ có những cố gắng để giúp đỡ cho các di dân Việt Nam tại Ðài Loan. Ngoài ra những linh mục Việt Nam đang phụ trách các văn phòng di dân tại Ðài Loan cũng có những bài trình bày về những vấn nạn đang xảy ra cho các di dân Việt Nam tại Ðài Loan hiện nay.

Sau cuộc họp, Linh mục Bruno Ciceri, thư ký điều hành ủy ban di dân của Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan phát biểu rằng vì Giáo hội Á Châu nhỏ, nên sự hiện diện của Ðức Hồng Y Martino là "dấu hiệu thể hiện ủng hộ và quan tâm của Giáo hội hoàn vũ và Ðức Thánh Cha dành cho di dân". Ðức Cha Gioan Bosco Lin Chi Nan, Giám Mục đặc trách Ủy Ban Di Dân của Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan, nói rằng: "Nếu Ðức Hồng Y Martino hiểu hơn về tình hình Giáo Hội Ðài Loan qua chuyến viếng thăm này thì đây là điều đáng mừng".

Sau khi kết thúc cuộc hội nghị về vấn đề di dân, để giúp các giám mục và các phái đoàn từ các nước đến tham dự hội nghị hiểu rõ hơn về tình hình Ðài Loan, hội nghị đã dẫn các phái đoàn đi thăm một vài nơi quan trọng của Ðài Loan. Ðặc biệt, Ðức Giám Mục Stêphanô Tri Bửu Thiên và phái đoàn các linh mục Việt Nam cũng đã đến dâng thánh lễ Chúa Nhật ngày 18 tháng 3 năm 2007 tại Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Thành Phố Taoyuan (Ðào Viên). Có rất nhiều công nhân Việt Nam và các chị em Việt Nam thuộc diện lấy chồng Ðài Loan đến tham dự Thánh lễ và chuyện trò gặp gỡ Ðức Giám Mục. Ðược biết, Huyện Taoyuan là khu vực công nghiệp có số lượng di dân lao động đông nhất ở Ðài Loan. Sau Thánh Lễ, Phái đoàn đã viếng thăm các trung tâm trợ giúp pháp lý cho các di dân Việt Nam tại huyện Taoyuan. Phái đoàn đã có dịp tiếp xúc với những người đang tạm trú tại trung tâm này trong thời gian chờ đợi giải quyết những tranh chấp về vấn đề lương bổng hay vấn đề công bằng và quyền lợi.

Ðể tìm hiểu rõ hơn, những ngày còn lại sau cuộc Hội Nghị, Ðức Giám Mục Việt Nam và phái đoàn đã viếng thăm và dâng thánh lễ tại một số vùng có đông người Việt Nam sinh sống.

Sáng ngày 20/03/2007, Phái đoàn Việt Nam từ Ðài Bắc đi xe tiến về hướng Nam, đến thăm Giáo Xứ Toufen Giáo Phận Tân Trúc (Hsinchu), cộng đoàn Việt Nam tại giáo xứ Tông Shư Giáo Phận Ðài Trung, Tòa Giám Mục Giáo Phận Ðài Nam, Trường Trung Học Salesien Don Bosco tại Thành Phố Ðài Nam, dâng thánh lễ cho cộng đoàn Việt Nam tại giáo xứ Tân Thuận Ðài Nam.

Tối ngày 20/03/2007, Phái đoàn quay xe ngược lại về hướng Bắc, đến Giáo Xứ Thủ Khu Giáo Phận Gia Nghĩa (Chia-Yi) và nghỉ đêm tại đây.

Qua ngày 21/03/2007, Phái đoàn cũng viếng thăm ngọn núi phun lửa "Thủy Hỏa Ðồng Nguyên" tại biên giới Ðài Nam - Gia Nghĩa. Nơi đây có lẽ là tàn tích của một ngọn núi lửa lâu đời, từ bên sườn núi có một ngọn lửa nhỏ phun ra bên giòng suối nước, và cứ cháy mãi như vậy chưa bao giờ tắt. Lửa và Nước cùng sống chung bên nhau nên người ta gọi là "Hỏa Thủy Ðồng Nguyên". Sau khi xem tàn tích của ngọn núi lửa, Phái đoàn ghé thăm Thôn Văn Hóa Việt Nam tại Gia Nghĩa (Chia-yi), đây là một khu vực tập trung tất cả các cửa hàng ăn uống Việt Nam có đủ tất cả các hàng tạp hóa Việt Nam: Áo dài, nón, bún khô, tạp chí phụ nữ Việt Nam... Buổi trưa Ðức Cha và Phái đoàn được các Linh Mục Giáo Phận Gia Nghĩa mời ăn trưa tại nhà hàng với các món rất độc đáo như Gà đi bộ, Dế rang, Ếch xào, rau lang luộc... Sau bữa ăn trưa thân mật, Phái đoàn tiếp tục viếng thăm một vài Giáo xứ trong Giáo Phận Gia Nghĩa: Giáo Xứ Lu Lieo, Giáo Xứ Minh Xung (Têrêxa), Giáo Xứ Talin... Buổi chiều cùng ngày, Phái đoàn tiếp tục lên đường trở về lại Ðài Bắc. Tại đây, Phái đoàn được Cộng đoàn các Nữ Tu Chúa Quan Phòng mời ăn tối tại Nhà Hàng Ðài Bắc.

Sáng ngày 22/03/2007, Phái đoàn ghé thăm Tòa Nhà Chọc Trời cao nhất thế giới "Tòa Nhà 101" (gồm 101 tầng lầu). Và buổi trưa cùng ngày được các Linh Mục Giáo Phận Ðài Bắc mời ăn trưa tại nhà hàng của Nhật Bản trong khu vực "Tòa Nhà 101". Buổi chiều cùng ngày, Phái đoàn viếng thăm cộng đoàn các nữ tu Têrêxa và ăn tối cùng cộng đoàn Têrêxa.

Ðức Hồng Y Martino đã trở về lại Vatican sau khi kết thúc chuyến thăm Ðài Loan để tham dự hội nghị và tìm hiểu về vấn đề di dân tại đây. Ðức Giám Mục Việt Nam và các linh mục trong Phái Ðoàn Việt Nam cũng đã chia tay với các anh chị em Việt Nam tại Ðài Loan để lên đường trở về Việt Nam vào ngày thứ Sáu, 23 tháng 3 năm 2007. Hy vọng sau cuộc hội nghị về vấn đề di dân này, cuộc sống của các di dân tại Ðài Loan và đặc biệt là các anh chị em Việt Nam tại Ðài Loan sẽ được tôn trọng và được bảo vệ nhiều hơn. Nguyện xin Chúa chúc lành cho tất cả các anh chị em Việt Nam đang lao động hay lấy chồng tại Ðài Loan luôn được vui khỏe và bình an. Cũng ước mong tất cả những người chủ Ðài Loan biết nhận ra rằng những công nhân hay những người lấy chồng Ðài Loan cũng là những con người cần phải được tôn trọng và họ cũng là những con cái của Thượng Ðế, luôn được Thượng Ðế yêu thương và chăm sóc bảo vệ.

 

(Joseph Trương)

DỨC THÁNH CHA GẶP GỠ VÀ CỬ HÀNH NGHI THỨC THỐNG HỐI VỚI CÁC BẠN TRẺ ROMA

 

VATICAN. Chiều 29-3-2007, ĐTC Biển Đức 16 đã gặp gỡ và cử hành nghi thức thống hối với hàng chục ngàn bạn trẻ Roma tại Đền thờ Thánh Phêrô.Cuộc gặp gỡ cũng là một cuộc chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế giới trẻ sẽ được cử hành ở cấp giáo phận vào chúa nhật Lễ Lá, 1-4-2007.

 

Lúc 5 giờ 45, ĐTC đến Đại thính đường Phaolô 6 để chào thăm lối 8 ngàn bạn trẻ không có chỗ trong Đền thờ Thánh Phêrô và họ tham dự nghi thức thống hối qua các màn hình đặt trong Thính đường.

Sau đó ngài tiến vào Đền thờ để khởi sự nghi thức thống hối. Một thiếu nữ đã tốt nghiệp đại học, và hiện làm việc như trợ tá xã hội, đã đại diện các bạn trẻ chào và cám ơn ĐTC và các LM, vì qua các vị, người trẻ gặp được lòng từ bi của Chúa qua bí tích thống hối.

 

Trong lời dẫn nhập, ĐTC kêu gọi mọi người đáp lại lời Chúa mời gọi hoán cải để được ơn sống một đời sống mới.

 

Giảng sau bài Tin Mừng theo thánh Gioan, đoạn 13, với câu 34 được chọn làm chủ đề cho ngày Quốc tế giới trẻ năm nay, ”Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”, ĐTC quảng diễn đề tài này, khai triển ý nghĩa tình yêu hy tế của Chúa Kitô để mưu ích cho nhân loại. Ngài nhắc đến những yếu đuối, sa ngã và tội lỗi của con người làm cho họ xa lìa Thiên Chúa; nhưng nhờ bí tích giải tội, tội lỗi đã phạm được Chúa thứ tha. Ngài nói: ”Nhờ sự thanh tẩy trong bí tích thống hối này, chúng ta được tái hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và Giáo Hội”.

 

ĐTC cũng nhấn mạnh chiều kích thứ hai của giới răn yêu thương là yêu mến tha nhân: ”Ngày nay cũng như mãi mãi, một điều rất cần thiết có được khả năng mới mẻ trong việc yêu mến anh chị em. Khi rời khỏi buổi lễ này, với tâm hồn tràn đầy kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa, các con được chuẩn bị để ”dám” yêu thương trong gia đình, trong các quan hệ với bạn bè và cả đối với những người đã xúc phạm đến các con nữa. Anh chị em được chuẩn bị để làm chứng tá Kitô đích thực trong môi trường học hành và làm việc, dấn thân trong cộng đoàn giáo xứ, trong các nhóm của phong trào và hội đoàn, và trong mọi môi trường của xã hội”.

 

Sau cùng ĐTC nhắn nhủ các cặp đính hôn hãy sống tình yêu chân thực của mình trong sự tôn trọng lẫn nhau, trong sự khiết tịnh và trách nhiệm.

 

Tiếp theo bài giảng của ĐTC, mọi người đã đọc kinh Cáo Mình và 7 bạn trẻ đã xướng lên những lời cầu xin ơn tha thứ của Chúa, dựa theo 7 mối tội đầu. Và như một dấu chỉ cầu xin lòng từ bi của Chúa, 7 bạn trẻ khác đã thắp lên 7 ngọn đèn cạnh Thánh Giá đặt gần bàn thờ chính. Chẳng hạn, bạn trẻ đầu tiên xướng lên:

 

”Lạy Chúa xin tha thứ tội kiêu ngạo của chúng con: những hoạt động chỉ tìm kiếm lời chúc tụng và ủng hộ của người ta; tham vọng, tìm kiếm quyền hành và danh tiếng. Xin tha thứ cho chúng con vì những lần chúng con nói, khuyên bảo, học hành, làm việc, chúng con chỉ làm điều thiện theo những gì người khác nghĩ về điều đó, để được người ta ngưỡng mộ. Xin tha thứ cho chúng con vì những lần chúng con khoe khoang sắc đẹp thể lý và những phẩm tính Chúa ban cho chúng con. Xin tha thứ cho chúng con vì sự kiêu hãnh phát sinh từ lòng kiêu ngạo, vì mong ước không muốn lệ thuộc ai, kể cả Thiên Chúa, vì thái độ coi mình là nạn nhận để luôn đưa ra những lời biện minh. Xin Chúa cho chúng con được khiêm tốn, là đức tức loại bỏ mọi đam mê, để trong sự khiêm tốn chúng con sẵn sàng đón nhận ơn Chúa giúp”.

Phần xét mình theo 7 mối tội đầu kết thúc với kinh Lạy Cha, sau đó là phần xưng thú và giải tội cá nhân.

 

ĐTC đích thân giải tội cho một số bạn trẻ, trong khi hàng trăm LM giải tội cho những người khác. Trong số các LM có 55 vị thuộc đoàn LM xá giải tại 5 Đại vương cung thánh đường ở Roma.

 

Trong lúc các hối nhân xưng tội, cộng đoàn và ca đoàn của giáo phận Roma đã hát thánh ca, xen lẫn các bài đọc sách thiêng liêng, trong đó các đoạn trích từ Tông Huấn ”Hòa giải và Thống hối” của Đức Gioan Phaolô 2, Tông Huấn ”Bí tích tình thương” của ĐTC Biển Đức 16.

 

Buổi cử hành kết thúc với bài ca Magnificat và phép lành của ĐTC. Những người chưa kịp xưng tội tiếp tục ở lại Đền thờ để lãnh nhận ơn xá giải cá nhân. (SD 29-3-2007)

G. Trần Đức Anh OP

Tĩnh Tâm Mùa Chay 2007 Tại Nhà Thờ Hà Bầu, Giáo hạt Pleiku, Giáo phận Kontum

Giáo hạt Pleiku - Gp. Kontum (23/03/2007) - Từ ngày 21 đến 23 tháng 3 năm 2007 tại nhà thờ Hà Bầu - Chư Ðăng R'Ya, cách thành phố Pleiku, trung tâm tỉnh Gia Lai khoảng 40 cây số, đã có khoá tĩnh tâm 3 ngày của các anh chị em Jarai, quy tụ khoảng 200 người đến từ 5 làng lân cận là Plei Xoa, Plei Ko, Plei Jar, Plei Ia Gri, Plei Wet gồm các ami (các bà mẹ), các ama (các ông bố) và hlắk - ai ( giới trẻ).

Hai ngày đầu, cha Antôn Lê Ngọc Thanh, dòng Chúa Cứu Thế, đã hướng dẫn anh chị em cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Lời Chúa và lời của con người đan xen, hoà quyện vào nhau. Trong những ngày học về Lời Chúa này anh chị em Jarai như để hết cái mệt nhọc, để hết cái lo toan của nương rẫy, để hết những bận bịu của thường ngày cho Chúa lo, họ hăng hái đến nhà thờ để lắng nghe Lời Chúa.

Hiện nay, người Jarai đã tìm thấy linh đạo của mình để thờ phượng Chúa, không phải vay mượn của người Kinh hay của người Bahnar. Với họ khi tỏ lòng sám hối thì phải cúi đầu xin Chúa thương, nhưng khi tôn vinh Danh Thiên Chúa thì phải hân hoan, reo vui, mừng rỡ, người nam sẽ vỗ tay nhún theo nhịp ching chêng, còn nữ thì múa. Mới đây thôi, ngày khánh thành và mừng 100 năm nhà thờ Hà Bầu - Chư Ðăng R'Ya, ngày 12 tháng 12 năm 2006, tôi đã được diễm phúc tham dự thánh lễ của người Jarai, khi hát kinh Vinh Danh, cả cộng đoàn từ người lớn đến em nhỏ trong bộ quần áo truyền thống đã hát và múa một cách nhịp nhàng và thánh thiêng trong tiếng cồng, tiếng chiêng reo vui vang dội giữa đại ngàn vang đến từng vách đá của ngọn núi Grông, núi Jôr và núi Nâm đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng về người Jrai, về niềm tin của họ. Trong những ngày tĩnh tâm này, lại một lần nữa, và không biết sẽ mấy lần nữa, tôi lại được cái cảm thức đó.

Theo anh em Jarai, khi cầu nguyện không thầm thĩ, nhưng phải nói thành lời. Họ quan niệm Chúa đã ban cho mình cái miệng để nói thì phải nói to cho Chúa nghe. Người cha nào lại không muốn lắng nghe tiếng bi bô của đứa con mình mặc dù ông đã biết nó muốn nói gì nhưng ông vẫn thích nghe chính miệng nó nói ra hơn. Và anh em Jarai đã gặp gỡ Chúa bằng con người của mình, bằng nền văn hoá của mình. Người Jarai bây giờ không còn mặc cảm vì mình là thiểu số, nhưng ý thức mình là thành viên trong gia đình Kitô giáo, tất cả đều là anh chị em với nhau.

Ngày thứ 3 trong khoá học, Wa H'Bem - Bác của chị H'Bem - một giáo phu được cha Tín, dòng Chúa Cứu Thế huấn luyện. Ông đã rửa tội trong trại cải tạo sau 1975. Dù ở tuổi gần 70, ông vẫn chia sẻ nhiệt tình với anh chị em về Giêsu, về kinh nghiệm gặp gỡ Chúa, về kinh nghiệm sống với Chúa, về cách sống làm con của Thiên Chúa. Wa H'Bem giảng hăng say đến nỗi 12 giờ trưa, khi ông mặt trời đứng ngay giữa sân nhà thờ Hà Bầu mà vẫn thao thao nói và dân làng ngồi nghe không nhúc nhích, không mỏi cái tai, không đói cái bụng.

Soeur Anna Dương Thị Tuyết, dòng Ðaminh Rosa Lima, cho biết sau ngày khánh thành nhà thờ Hà Bầu - Chư Ðăng R'Ya - thì đã tổ chức ngay các buổi tĩnh tâm. Tháng nào cũng có tĩnh tâm cho các giới: đầu tháng thì các ama (các ông bố), giữa tháng thì hlắk - ai (giới trẻ), cả hai giới này tĩnh tâm đều được các ami (các bà mẹ) nấu cơm. Còn cuối tháng là ngày tĩnh tâm của các ami thì giới trẻ sẽ nấu cơm. Riêng các ama không phải nấu cơm, nhưng để dành làm những việc nặng. Từ đó đến nay đã tổ chức được 3 lần tĩnh tâm cho mỗi giới.

Ðể ngày tĩnh tâm được trọn vẹn cho các giới, các Soeur đề nghị ai nấy mang cơm phần mình, các Soeur sẽ nướng cá khô và nấu nồi canh, buổi trưa cùng ăn chung.

Người ở làng xa nhất đi đến khoảng 4 - 5 cây số, cũng cơm nắm và chăm chú nghe lời Chúa. Ước chi niềm tin mãnh liệt, đơn sơ và trung tín của anh chị em Jarai sẽ mãi ngời sáng trên mảnh đất Tây Nguyên.

 

Sr. Minh Du, Ðaminh Rosa Lima

Liên Hiệp Các Bề Trên Thượng Cấp Liên Tu Sĩ Việt Nam Ðến Thăm Giáo Phận Kon Tum Và Hành Hương Thăm Viếng Ðức Mẹ Kon Plông.

 

Tượng Ðức Mẹ 28.12.2006

Tượng Ðức Mẹ 29.3.2007

 

 

Kontum, Việt Nam (29/03/2007) - Ngày 28.3.2007, Phái đoàn Liên Hiệp Các Bề Trên Thượng Cấp Liên Tu Sĩ Việt Nam đến Tòa Giám Mục Kontum lúc 16 giờ 00. Dẫn đầu phái đoàn là Cha Chủ Tịch Tôma Vũ Quang Trung (JS), Giám Tỉnh Dòng Tên; cùng đi có Nữ tu Trần Thị Quỳnh Giao, Dòng Nữ Phan Sinh, Tổng thư ký; Cha Phaolô Maria Nguyễn Huệ (IJ), Tổng Phụ Trách Tu Hội Chúa Giêsu, Thành Viên; Nữ tu Mai Trinh - Nguyễn Thị Mai Khanh (RNDM), Giám Tỉnh Dòng Ðức Bà Truyền Giáo, Thành Viên; Thầy Gioan Baotixita Trần Hữu Hạnh, Bề Trên Dòng Thánh Gia, Thành Viên.

Ðược biết Phái đoàn lên thăm đặc biệt Hội Dòng Ảnh Phép Lạ, nhằm nối kết hơn nữa tình liên đới giữa các tu sĩ trong Giáo Hội Việt Nam, qua đó có phương hướng và kế hoạch mới cho liên tu sĩ giáo hội Việt Nam trong nhiệm kỳ 3 năm sắp tới.

Phái đoàn đã vào Tòa Giám Mục chào thăm Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum. Ðức Cha Micae đã tiếp Phái Ðoàn tại phòng khách Tòa Giám Mục. Sau khi biết ý định của Phái Ðoàn đến thăm Giáo phận, và đặc biệt là thăm Nhà Mẹ Dòng Ảnh Phép Lạ (Hội Dòng của Giáo phận), Ðức Cha Micae đã giới thiệu hiện tình của Hội Dòng Ảnh Phép Lạ và các Dòng Tu hiện diện trong giáo phận với Phái Ðoàn. Ðứng trước bản đồ mới nhất về hiện tình giáo phận năm 2006, Ðức Cha đã cho Phái đoàn cái nhìn tổng quát về giáo phận Kontum. Một Giáo phận rộng lớn đang cần nhiều "tay thợ tu sĩ lành nghề" đến giúp Giáo phận. Sau đó Ðức Cha Micae dẫn phái đoàn vào thăm phòng truyền thống giáo phận.

18 giờ 00: Phái đoàn dùng cơm thân mật với Ðức Cha và Quý Cha tại nhà cơm Tòa Giám Mục.

19 giờ 00: Phái đoàn cùng Cha Thư Ký Tòa Giám Mục đến thăm Nhà Mẹ Ảnh Phép Lạ, trên đường Nguyễn Huệ, đối diện với Nhà Thờ Chính Tòa Kontum.

Ðược Biết Hội Dòng Ảnh Phép Lạ được thành lập năm 1947, do Ðức Cha Jean Simon thành lập. Mục đích là giúp các bà mẹ, các thiếu nữ biết cách làm mẹ, thăm viếng giúp đỡ người nghèo - các bệnh nhân. Hiện nay Hội Dòng có gần 100 chị em đã tuyên khấn, 14 kinh viện, 27 tập sinh, 18 thỉnh sinh và 64 đệ tử.

Sau khi chào hỏi Yă Marie Reine Lanh (Mẹ Bề Trên), Yă Juliana Y Phưng (Phó Bề Trên) và Yă Michel Y Nget. Phái đoàn đã có buổi nói chuyện với toàn thể gần 100 chị em trong Hội Dòng. Trong buổi nói chuyện này, Cha Chủ Tịch Tôma đã giới thiệu cho Hội Dòng biết chuyến đi lần này là để tạo mối tương quan thân tình, tình liên đới của giới tu sĩ với nhau. Ðại Diện cho hơn 115 Bề Trên Thượng Cấp các Hội Dòng có mặt tại Việt Nam, Cha đã chia sẻ ước nguyện của ban điều hành là mong muốn làm sao để mối dây liên hệ giữa các Yă và tu sĩ toàn Giáo Hội Việt Nam ngày càng mật thiết hơn. Ngài hứa sẽ nỗ lực hết sức để yểm trợ và giúp đỡ cho Hội Dòng trong mặt đào tạo và huấn luyện.

Sau đó, Phái đoàn đến Nhà Tập của Hội Dòng cách Nhà Mẹ 4 km. Tại đây phái đoàn đã gặp gỡ 2 lớp Nhà Tập, Nhà Tập Một: 22 em; và Nhà Tập Hai: 5 em. Tại đây Cha Chủ Tịch Tôma đã nói chuyện với các em tập sinh, ngài mong ước và cầu chúc các em trong thời gian này nhận lãnh được nhiều ơn Chúa, đặc biệt là thấm nhuần được tinh thần yêu mến và phục vụ của Chúa Ki-tô để làm hành trang cho đời tu sĩ sau này. Trong buổi gặp gỡ này, các em tập sinh có dịp để làm quen, học hỏi về các linh đạo các Hội Dòng khác qua Ban Ðiều Hành. Nữ tu Quỳnh Giao và Cha Huệ đã chia sẻ kinh nghiệm đời tu cho các tập sinh.

22 giờ 00: Phái đoàn về nghỉ đêm tại Tòa Giám Mục.

Ngày 29.3.2006, vào lúc 8 giờ 30, sau khi dâng lễ và điểm tâm sáng, Phái đoàn Liên Hiệp Các Bề Trên Thượng Cấp Tu Sĩ Việt Nam rời Tòa Giám Mục đi huyện Kon Plông, cùng đi có Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, cha thư ký Tòa Giám Mục, Yă Mẹ và 2 Yă Dòng Ảnh Phép Lạ đi kính viếng Ðức Mẹ Kon Plông.

Huyện Kon Plông nằm cách Tx Kontum 50 km về hướng Ðông Bắc Kontum, có diện tích 1361.60 Km2, dân số 17,210 người, nhưng giáo dân công giáo chỉ 181 người, chưa có nhà thờ, mới có một nhà nguyện.

9 giờ 00: Phái đoàn đến nơi có đặt tượng đài Ðức Mẹ Fatima, cách trung tâm thị trấn Kon Plông khoảng gần 1 km. Khi đến nơi, chúng tôi thấy tượng Ðức Mẹ nằm một bên đường đang thi công làm đường vòng đai cho thị trấn mới quy hoạch này. Chúng tôi đến nơi thì đã có gần 50 anh chị em đến hành hương kính Mẹ, họ lần chuỗi cầu nguyện rất thành tâm để cầu khẩn mẹ. Hỏi ra thì biết là những tín hữu ở Thị xã Kontum đến. Theo những người dân ở đây cho biết thì hàng ngày có vài xe đò đến hành hương kính mẹ. Dưới chân tượng đài đầy hoa, nến, nhang và vài tấm bảng "Tạ ơn Mẹ" sau gần 3 tháng được phát hiện. Ðược biết sau ngày biết tin về Mẹ, nhiều phái đoàn trong và ngoài giáo phận, và cả nước ngoài cũng đã đến đây hành hương viếng Mẹ và nhận được nhiều ơn lành từ Mẹ.

Theo lời một tín hữu đến làm ăn sinh sống tại đây kể lại thì tượng đài Ðức Mẹ này đã được phát hiện mới đây khoảng gần một năm. Người tín hữu này kể, một hôm ông vào ăn cơm trong một quán ăn tại thị trấn này, có một thanh niên ngồi bàn phía ngoài đến hỏi: "Bác phải là người Công Giáo không? Vì cháu thấy bác làm dấu thánh giá". Và anh ta kể: "Cách đây không lâu, Xe ủi đang ủi đường theo mốc phóng mở đường vòng đai thị trấn này, khi đến gần tượng đài thì bị tắt máy, và anh tài xế nhìn thấy trước mặt là 1 bức tượng, anh ta ủi tránh sang một bên - nên con đường giờ đây hơi cong so với dự tính ban đầu của nhà quy hoạch." - Và anh ta kể tiếp: "Trước khi anh tài xế này thấy, thì Tượng Ðức Mẹ này đã được phát hiện bởi một đôi vợ chồng ngoại giáo lâu lắm rồi. Họ đã phát hiện ra tượng đài Ðức Mẹ vào năm 1983, khi mới đến huyện này lập nghiệp, sau một lần tình cờ vào rừng đốn củi.

Sau đó, đến năm 1993, anh chồng được cử đi học tại Nha Trang. Có đêm, anh nằm mơ và thấy tượng đài bị mất đầu và mất tay, tay và đầu cứ bay lơ lững bên tượng. Anh trở về và thăm tượng thi quả thực đúng như vậy, không còn đầu và tay nữa. Anh ta lại đi Nha Trang học, anh ta lại nằm mơ thấy như thế vài lần nữa, anh bối rối về nhà đem chuyện kể với mấy người thợ làm mỏ đá gần đó. Họ thấy anh ngoại giáo này bối rối quá, mới mua xi-măng về đắp lại khuôn mặt khác, còn tay thì chưa làm được. Anh ngoại giáo này thắp nhang cầu nguyện cùng Mẹ. Sau đó hết nằm thấy nữa. Và từ đó gia đình anh ta làm ăn trở nên khấm khá hơn trước." Sau khi dò hỏi vợ chồng ngoại giáo này, người tín hữu đã được người vợ dẫn đến thăm Mẹ, và chụp hình lưu niệm với mẹ, nhưng người vợ ngoại giáo này không muốn chụp hình vì sợ... nhưng vì người tín hữu nài nỉ mời chụp hình làm kỷ niệm, chị cũng đứng vào chụp, nhưng những tấm hình chụp có chị đứng thì không có ảnh (bị hư hết) (máy kỹ thuật số), còn người tín hữu thì có ảnh khi chụp riêng - là một điềm lạ nữa. Sau đó, người tín hữu này lên làm cỏ, trồng cây,... và không ai bảo ai, tin loan rất nhanh, nhiều phái đoàn từ trong tỉnh, ngoài Tỉnh, có cả khách nước ngoài đến hành hương với Mẹ và nhiều người đã được ơn.

Sau khi đến tượng đài Ðức Mẹ, Phái đoàn vào thăm Mẹ và cùng với khách hành hương lần chuỗi 5 sự Vui... khi lần chuỗi xong, vài tín hữu đã cầu nguyện to tiếng xin ơn Mẹ cách chân thành. Sau khi lần chuỗi và cầu nguyện chung và riêng, Ðức Cha Micae đã có vài lời với anh chị em đến hành hương, Ngài mời gọi mỗi người hãy cầu nguyện với Mẹ, nhất là xin Mẹ được ơn sai đi đến với mọi người chung quanh mình, nhất là anh chị em dân tộc bằng đời sống yêu thương phục vụ như thư chung của Hội Ðồng Giám MụcViệt Nam mời gọi. Sau đó, Ðức Cha ban phép lành cho đoàn hành hương.

Ðược biết, Tòa Giám Mục Kontum đang muốn lập trung tâm hành hương tại đây.

 

Phước Nguyên, Kontum 29.3.2007

Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Saigòn được tuyển sinh hằng năm


Saigòn, Việt Nam (UCAN VT02127.1437 Ngày 21-3-2007) - Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Saigòn trước đây chỉ được tuyển sinh hai năm một lần từ khi mở cửa lại vào năm 1986, nay trở thành chủng viện thứ hai trong nước được tuyển sinh hằng năm.

 

Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Saigòn có cùng ưu tiên với Ðại Chủng Viện Thánh Giuse ở Hà Nội vốn được chính quyền cho phép tuyển sinh hằng năm hồi năm 2005. Trong nước có sáu Ðại Chủng Viện đào tạo Linh Mục (Ðại Chủng Viện Hà Nội, Vinh Thanh, Huế, Nha Trang, Saigòn, Cần Thơ).


Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của Giáo phận Saigòn cho UCA News biết hôm 14-3-2007 rằng, chủng viện của ngài "sẽ chính thức bắt đầu tuyển sinh hằng năm" và khai giảng vào tháng 10-2007. Năm học của chủng viện bắt đầu vào tháng 10 và bế giảng vào tháng 6.


Ðức Hồng Y Mẫn cho biết, chủng viện được xây dựng năm 1866, đào tạo linh mục cho tổng giáo phận của ngài và sáu giáo phận khác, vì thế chủng viện thiếu chỗ ở và phòng học. Ngài nói thêm, các giáo sư không thể theo dõi việc học tập của chủng sinh được vì một lớp có tới 60 người.


Tuy nhiên, tình hình đó hiện đang thay đổi. Theo Ðức Hồng Y, 35 chủng sinh sẽ bắt đầu năm học mới này tại Saigòn chỉ đến từ Tổng Giáo Phận của ngài và hai giáo phận lân cận là Mỹ Tho và Phú Cường.


Các chủng sinh đến từ các Giáo phận Bà Rịa, Ðà Lạt, Phan Thiết và Xuân Lộc sẽ học tại chi nhánh Chủng Viện mới ở Tòa Giám Mục Xuân Lộc ở thị xã Long Khánh, các Saigòn 80 Kilômét về phía Bắc. Ngài cho biết, Giáo hội địa phương đã liên tục xin phép trong sáu năm, trước khi được phép mở chi nhánh thứ hai tại Xuân Lộc. Giáo hội nhận được chấp thuận này vào cuối năm 2005, khi giáo phận mới Bà Rịa được tách ra từ giáo phận Xuân Lộc.


Một nguồn tin Giáo hội ở Xuân Lộc cho UCA News biết, chi nhánh hai là chủng viện trước đây của giáo phận Xuân Lộc, đã bắt đầu đào tạo linh mục cho các chủng sinh Xuân Lộc hồi năm 2006. Tháng 10-2007, các chủng sinh mới thuộc các giáo phận khác (Bà Rịa, Ðà Lạt, Phan Thiết) cũng sẽ học tại cơ sở này, cho đến khi một tòa nhà mới được xây xong vào năm 2008.


Ðức Hồng Y Mẫn cho biết, khi được tuyển sinh hằng năm, Giáo hội địa phương sẽ triển khai các chương trình đào tạo thêm để đào tạo các linh mục tương lai có năng lực hơn. Một chương trình như thế là chương trình tiền chủng viện đào tạo các ứng sinh "về nhân bản và đời sống hướng cộng đoàn và phát triển tu đức", ngoài việc giúp họ làm quen với các hoạt động ở chủng viện.


Ðức Hồng Y Mẫn giải thích rằng sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, nhà nước tịch thu các cơ sở và Giáo hội địa phương không thể đào tạo tiểu chủng viện cho các ứng sinh. Thay vào đó, họ tập trung tại chủng viện mỗi tháng một lần để học giáo lý, Kinh Thánh, tu đức và nhân bản.


Ðức Hồng Y giải thích, các đại chủng sinh học hai năm triết và bốn năm thần học và đi giúp xứ mỗi năm một tháng trong thời gian nghỉ hè, như thế "không đủ cho họ".


Ðức Hồng Y cho biết, khóa học dài một năm bắt buộc này sẽ "giúp củng cố ơn gọi của ứng sinh và giúp họ tránh được áp lực nơi gia đình và cộng đoàn".


Vị lãnh đạo Giáo hội nói thêm, một số ứng sinh bị áp lực trở thành linh mục từ gia đình hay giáo xứ, trong khi những người khác theo đuổi ơn gọi vì tài chính. Các bạn trẻ, một khi đã vào chủng viện mà bỏ về có thể bị gia đình hay giáo xứ xa lánh hay coi khinh


Hôm 8-3-2007, Ðức Hồng Y Mẫn chủ trì lễ khai giảng khóa học đầu tiên như thế cho 21 ứng sinh chủng viện trong tổng giáo phận. 25 giảng viên và linh mục chánh xứ, cùng với thân nhân của các ứng sinh, đã tham dự buổi lễ này, được tổ chức tại nhà nguyện chủng viện. Ðức Hồng Y Mẫn cho biết, các ứng sinh ở trong một tòa nhà cũ trong khuôn viên chủng viện và thiếu thốn tiện nghi. "Tôi kêu gọi các tín hữu địa phương giảm bớt chi tiêu trong mùa Chay này để chúng ta có thể xây một tòa nhà mới cho các ứng sinh chủng viện", ngài viết trong thông điệp mùa Chay của ngài, được đọc trong tất cả các giáo xứ.

Trong khi đó, các nhà đào tạo từ tất cả sáu đại chủng viện đã đến tham dự một cuộc họp từ ngày 12-16/03/2007 tại Thành phố Saigòn. Trong cuộc họp, họ xem xét lại các chương trình gần đây và đề xuất một chương trình đào tạo chung mà họ hy vọng sẽ trình bày tại cuộc họp thường niên của các giám mục vào tháng 9 năm 2007, một tham dự viên phát biểu với UCA News hôm 16-3-2007.

 

Theo UCAN

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

SUY NIỆM TAM NHẬT VƯỢT QUA

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

 

Rửa chân – Lập phép Thánh Thể

                                                            (Ga 13,1 – 15)

 

Thương yêu nhau là giúp đỡ nhau. Thương yêu nhau là chịu đau khổ cho nhau. Thương yêu nhau là sẵn sàng chết cho nhau. Chúa Giêsu đã thể hiện một tình yêu thương như thế. Ngài thương yêu chúng ta, nên đã giúp đỡ chúng ta, đã chịu đau khổ cho chúng ta, và đã chết cho chúng ta. Nhưng cái bằng chứng sau cùng : chết cho người yêu, chưa diễn tả hết tình yêu của Chúa, chưa làm thỏa lòng Chúa thương yêu, vì Ngài chỉ có một cuộc sống và chỉ có thể chết một lần. Bởi vậy, để thể hiện sâu xa hơn nữa tình yêu thương nhân loại, Chúa đã muốn chết đi chết lại, muốn nên của ăn của uống cho hết mọi người qua bao thế hệ. Và Chúa đã thực hiện đúng như thế mà chúng ta long trọng nhắc lại những việc làm ấy trong ngày đại lễ hôm nay.

 

Hôm đó là ngày thứ Năm trong tuần lễ ăn bánh không men của người Do Thái. Khi trời đã về chiều, Chúa GiêSu cùng với các Tông đò tới dùng tiệc trong một căn phòng rộng rãi mà Phêrô và Gioan đã mượn được của một gia đình trong thành Giêrusalem. Bữa tiệc đó được tổ chức long trọng và diễn ra đúng thủ tục, gồm những tuần rượu, những món ăn cổ truyền, xen lẫn với việc đọc những bài Thánh vịnh. Giữa bữa tiệc, Chúa GiêSu lên tiếng bộc lộ niềm xúc động, lý do vì đây là lần cuối cùng Chúa dự tiệc mừng lễ Vượt qua chung  với các môn đệ, sau bữa ăn Chúa sẽ bị bắt do sự đồng lõa chỉ điểm của một môn đệ phản bội, và rồi Ngài sẽ bị giết chết vào ngày hôm sau.

 

“Con chim trước khi chết, thì cất tiếng hót bi thương, con người trước khi chết thì lời nói rất chân thật”. Trong bữa ăn đầy ý nghĩa này, Chúa muốn gửi lại cho các tông dồ những lời trăn trối đầy thân tình yêu thương :”An hem hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương an hem”. Dạy dỗ bằng lời nói xong, Chúa còn muốn để lại cho các tông đồ một bài học thực hành cụ thể sống động, đó là rửa chân cho các ông. Rửa chân là công việc của nô lệ, đầy tớ. Thế mà Chúa Giêsu là Thầy, là Chúa mà lại rửa chân cho các môn đệ của mình, và cả môn đệ sắp phản bội mình. Qua đó Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ và tất cả mọi người bài học khiêm tốn, yêu thương và phục vụ nhau, dù trong những công việc thấp hèn nhất.

 

Rửa chân cho các môn đệ xong, Chúa lại ngồi vào bàn tiệc và tiếp tục bài giảng yêu thương. Chúa nói rõ cho các môn đệ biết mục đích việc Chúa rửa chân cho họ :”Anh em gọi Thầy la “Thầy”, là “Chúa”, diều đó phải lắm. Vậy Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho an hem, thì an hem cũng phải rửa chân cho nhau”. Rõ ràng Chúa muốn dạy hãy yêu thương bằng cách phục vụ nhau và phục vụ người khác. Yêu thương bằng lời thì có thể bị coi là đầu môi chót lưỡi, yêu thương bằng thái độ có thể bị coi là giả hình. Chỉ có yêu thương bằng hành động mới là tình yêu thương chân thật.

 

Hơn thế nữa, trước giờ biệt ly, cũng trong ý nghĩa yêu thương, Chúa đã muốn để lại cho con người một kỷ vật, một kỷ niệm. Người đời trước khi đi xa, thường lưu lại cho người thân thuộc những món đồ dể ghi nhớ : một cuốn sách, một khăn tay, một tấm hình, một cái áo, một cái nhẫn… Đối với Chúa, những vật đó tầm thường quá, hời hợt quá, không đủ nói lên tấm lòng  yêu thương quá nồng nàn của Chúa đối với nhân loại. Kỷ vật Chúa muốn lưu lại cho loài người phải hết sức đặc biệt, là chính bản thân Chúa. Nhưng cái bản thân bằng xương bằng thịt của Chúa lại sắp sửa bị bắt và bị giết, do đó Chúa phải thực hiện ý muốn trên bằng một thể thức vô cùng linh diệu, là lưu lại bản thân Chúa dưới hình thức nhiệm mầu : Chúa lấy bánh và rượu để biến đổi thành Mình và Máu Chúa, rồi phân phát cho các tông đồ như là của ăn của uống thiêng liêng bời dưỡng linh hồn. Quả thật, đây là một sự việc hàm chứa rất nhiều ý nghĩa yêu thương, nhưng cũng mang đầy tính chất đức tin. Rồi sau khi phân phát của ăn, của uống đặc biệt đó cho các tông đồ, Chúa còn ban quyền cho các ông được làm lại sự việc cao quý này để tưởng niệm đến Chúa. Như thế, trong bữa tiệc lịch sử này, Chúa GiêSu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể và ban quyền chức Linh Mục cho các tông đồ.

 

Chiều hôm nay, chúng ta làm lại viêc Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh, đã truyền dạy. Chúng ta nhớ đến tình yêu thương bao la đã thúc đẩy Ngài hy sinh cho chúng ta. Ứơc gì nghi lễ rửa chân và tưởng niệm việc thành lập bí tích Thánh Thể giúp chúng ta sống trong tình đoàn kết yêu thương để phục vụ nhau và phục vụ anh em một cách hữu hiệu hơn.

 

                                                           

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

 

Chúa chết thay chúng ta

                                                            (Ga 18,1 – 19,42)

 

Trong thời gian ban đầu, ngưòi ta xem ngày thứ Sáu chịu nạn như một ngày đang ghét hơn bất cứ một ngày nào khác trong năm. Bởi lẽ, ngày hôm đó, có một người vô tội đã bị kết án tử hình và đã bị giết chết một cách tàn nhẫn, khó có thể tưởng tượng được. Vì sự kiện đó, người ta đã định nghĩa ngày thứ Sáu chịu nạn là :”Thêm một người vô tội được ghi tên vào trang sổ dài trong lịch sử nhân loại”, cuốn sổ của biết bao người bị tố cáo một cách oan uổng, bị đánh đập, bị tra tấn, và có khi bị giết chết. Theo ý nghĩa này, thì quả thật, ngày thú Sáu chịu nạn là một ngày xấu xa, một ngày đen đủi.

 

Nhưng đối với chúng ta ngày nay, chúng ta nghĩ khác hẳn : Ngày thứ Sáu chịu nạn là một ngày thật tốt đẹp, và hoàn toàn cao cả, vì hôm nay là ngày Chúa chết, hôm nay là ngày Chúa hoàn tất công cuộc cứu độ, đây là cao điểm của cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa chết trên Thánh Giá nhưng không phải là cái chết bất công, chết vì oan uổng, chết yểu, hay bị kẻ thù hãm hại, nhưng chính Ngài muốn chết như thế. Cái chết của Ngài có một mục đích. Ngài muốn hy sinh mạng sống để đem ơn cứu chuộc cho muôn dân. Ngài muốn chết thay cho tất cả mọi người, trong đó có chúng ta hôm nay nữa. Chúa biết chúng ta cần Ngài, nhưng chính Ngài lại là người yêu thương trước, Ngài đã cứu chuộc chúng ta trước khi chúng ta biết mình đã được diễm phúc ấy.

 

Có lẽ chẳng bao giờ chúng ta hiểu thấu được hy tế đồi Canvê, cũng như chẳng bao giờ hiểu được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Chúng ta đã phản nghịch với Thiên Chúa, và lẽ ra chúng ta phải chết, nhưng thực tế, Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta được sống và được sống tự do.

 

Chúng ta hãy thương mình và thương người. Thương mình bằng cách từ bỏ mọi tội lỗi, từ bỏ cuộc đời xấu xa của mình để sống trọn tình với Chúa. Thương người bằng cách tôn trọng họ, yêu thương họ, và đem Chúa đến cho họ. Thật vậy, không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống vì bạn hữu. Không có đức ái nào lớn hơn đức ái tông dồ.

 

Hôm nay tưởng niệm cuộc tủ nạn của Chúa. Chúng ta cử hành nghi lễ suy tôn Thánh Giá Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên Thánh giá. Chúng ta hãy hồi tâm, thinh lặng mà suy nghĩ : tại sao Chúa phải chết nhục nhã như vậy ? Vì ai mà Chúa phải căng thây trên đó ? Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con mà Chúa phải chết nhục nhã như vậy. Vì tội lỗi chúng con mà Chúa phải căng thây trên đó. Ôi, tình yêu tuyệt vời. Ôi Thánh giá diễm phúc.

 

                                               

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

                                   

(Lễ Vọng Phục Sinh)

                                             Chúa đã sống lại

                                                (Mt 28,1-10)

 

Đúng như lời Chúa Giêsu đã báo trước nhiều lần : Ngài sẽ bị nộp cho kẻ gian ác, chúng sẽ giết Ngài, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Không có tác giả Tin Mừng nào thuật lại chính sự việc Chúa sống lại : vào giờ nào và như thế nào. Nhưng cả bốn sách Tin Mừng khi kể về biến cố Chúa sống lại đều nhất trí về 3 điều : Thứ nhất, thời gian sống lại là sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, theo cách tính bây giờ là sáng sớm Chủ nhật. Thứ hai, sự việc xảy ra là mộ trống, Chúa Giêsu khong còn ở trong mộ, có những nhân vật chứng kiến sự kiện này là Bà Maria Mac –da-la, hai Tông đồ thế giá nhất là Phê-rô và Gioan. Thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần minh chứng Ngài đã sống lại, và các tông dồ là những chứng nhân về điều này.

 

Chúa đã sống lại. Đó là một sự kiện lịch sử. Nhưng không phải là một sự kiện chôn vùi trong quá khứ, vì nó vẫn còn sống động lúc này. Thực vậy, Chúa chết trên thập giá, bây giờ vẫn đang sống ngay bên tôi, ngay bên anh chị em, và nếu Ngài muốn, Ngài cũng xuất hiện cho chúng ta gặp ngài tận mặt như các tông đồ xưa kia. Ngài sống thực với chúng ta, yêu thương chúng ta, giúp đỡ chúng ta, nên chúng ta tin Ngài. Vì tin là tin một người sống, một người có thể gặp được, chứ không ai tin người đã chết và không còn liên hệ gì với chúng ta.

 

Những vĩ nhân trên đời, những anh hùng dân tộc, sự nghiệp họ lẫy long nên chúng ta khâm phục, cuộc đời họ đáng quý nên chúng ta tưởng nhớ. Tưởng nhớ vì họ đã chết, và mộ của họ chỉ còn giữ lại được nắm xương khô hoặc là thân xác họ còn nguyên vẹn  vì được ướp thuốc, nhưng là cái xác chết, đâu còn gì để gặp gỡ, và đâu còn gặp gỡ nữa mà bảo tin. Còn Chúa Giêsu, ngài luôn luôn sống, có xương có thịt trên trời và Ngài còn sống trong mỗi nhà tạm của chúng ta. Ngài đang sống thực đây. Chúng ta tin Ngài vì chúng ta vẫn gặp Ngài. Vì thế, trong ngày lễ hôm nay, Giáo Hội dạy chúng ta hãy ca to lên, hãy hát lớn lên tiếng “Alleluia”. Nghĩa là gì ? Chúa sống lại là niềm vui mừng vĩ đại, Giáo Hội bảo chúng ta hãy hát to lên “Alleluia” để diễn tả niềm vui Phục Sinh, để ca ngợi và tôn vinh Chúa. Alleluia nghĩa là ca ngợi Chúa, chúc tụng Chúa, tôn vinh Chúa.

 

Đàng khác, cũng đêm Thánh hôm nay, chúng ta cử hành một nghi thức suy tôn Chúa Kitô là ánh sáng. Chúng ta vừa nhìn vào cây nến Phục Sinh và ca lên “Ánh sáng Chúa Kitô”, rồi ánh sáng từ cây nến Phục Sinh lần lượt đốt sáng những cây nến nhỏ của chúng ta, rồi cả nhà thờ tràn ngập ánh sáng. Đó là một hình ảnh tuyệt vời của Chúa kitô khải hoàn trên tối tăm của sự ác và sự tối. Đó cũng là dấu chỉ cho sứ mạng của người Kitô hữu. Chúng ta phải là người mang ánh sáng Chúa Kitô. Ánh sáng không phải là của chúng ta mà là ánh sáng chúng ta đã tiếp nhận từ Chúa Kitô, nên chúng ta phải luôn sống như những chứng nhân của ánh sáng : cho chính tâm hồn mình, cho gia đình mình và cho mọi người xung quanh. Xin Chúa cho tất cả và từng người chúng ta luôn sống đúng như thế.

           

Lm. Nguyễn Văn Phương

 

SỰ PHẢN BỘI “ĐÁNG THƯƠNG”

Một thủ thuật của hội hoạ, để làm nổi bật một mảng nào đó của bức tranh người ta thường nhấn bên cạnh một vài nét hay mảng tối, sẫm màu. Đây chính là vận dụng quy luật tương phản. Lấy sắc đen làm nổi màu trắng. Có lẽ tương tự thế, khi dần bước vào tuần cao điểm sống mầu nhiệm đức tin của Kitô giáo,mầu nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh của Đức Kitô, mầu nhiệm mạc khải cách hoàn hảo về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì Mẹ Hội Thánh dọn cho chúng ta những bài đọc thánh kinh tường thuật những mảng tối của kiếp người. Sự phản bội của một Giuđa Iscariô, một Phêrô và cả tập thể nhóm Muời Hai Tông Đồ. Sự phản bội của các Ngài như là một trong những mảng tối làm rực rỡ hơn tình yêu khoan dung của Thiên Chúa.

Hai chữ phản bội khiến tôi liên tưởng đến cuộc thi hoa hậu áo dài lần đầu tiên tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Nếu không lầm thì người đoạt giải hoa hậu là cô Maria Kiều Khanh, một nữ thợ làm đầu và cũng là một nữ tín hữu giáo xứ Vườn Xoài, giáo phận thành phố Hồ Chí Minh. Kiều Khanh đăng quang nhờ thắng cuộc phần thi ứng xử. Khi được hỏi em ghét điều gì nhất Kiều Khanh trả lời em ghét sự phản bội. Theo thông tin báo chí thời bấy giờ thì chính câu trả lời này đã đưa Kiều Khanh lên ngôi hoa hậu.

PHẢN BỘI : HÀNH VI ĐÁNG KHINH BỈ

Đã là người ai ai cũng chân nhận rằng cần phải có những nhân đức nhân bản. Một trong những nhân đức nhân bản giúp sống xứng phận con người đó là sự trung tín. Bất trung, bất tín là những hình thức phản bội. Chúng làm cho xã hội bất an, tương quan giữa người với người bất ổn. Làm sao có thể ổn định hay an bình khi mà chữ tín không được coi trọng, chữ trung không được tuân giữ. Ai dám thoả thuận, ký hợp đồng hay cam kết khi không tin vào sự tín thành của phía đối tác. Không có niềm tin vào sự tín trung thì sẽ chẳng có sự gì hiện thực ngay cả cơ cấu nền tảng của xã hội đó là hôn nhân gia đình.

Thế mà thực tiễn cho ta thấy điều này là sự phản bội, bất tín bất trung vẫn có đó, lắm khi nhan nhản ngoài xã hội và chính ngay trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân chúng ta đã từng biết bao lần bất trung với lời hứa, lời khấn, lời cam kết của mình. Từ Đức Giáo Hoàng đến các Phó tế, được mấy ai khẳng định mình chưa hề thất trung với lời hứa hàng giáo sĩ ngày lãnh nhận tác vụ phó tế, linh mục hay giám mục. Có được bao nhiêu tu sĩ khẳng khái rằng mình chưa hề lỗi các lời khấn vâng phục, khó nghèo hay khiết tịnh. Được mấy ai trong hàng tín hữu con cái Chúa lại chưa bất trung với những lời cam kết ngày lãnh nhận bí tích thánh tẩy: từ bỏ tội lỗi, từ bỏ ma quỷ và những quyến luyến lệch lạc do ma quỷ cám dỗ cũng như hết lòng tin vào Chúa. Sự kiện hàng năm Kitô hữu lặp lại lời cam kết và tuyên xưng đức tin trong đêm Vọng Phục Sinh, việc các linh mục lập lại lời hứa hàng giáo sĩ trong thánh lễ Truyền Dầu cũng như các tu sĩ lập lại lời khấn phải chăng minh chứng cho sự thật này. Chúng ta đã từng phản bội nhiều lần với nhiều cách thế và trong nhiều mức độ khác nhau. Và rồi chúng ta lại sẽ còn bất tín bất trung nếu Chúa không gìn giữ cách đặc biệt.

SỰ PHẢN BỘI ĐÁNG GHÉT- ĐÁNG THƯƠNG HAY DỄ THƯƠNG

Dù rằng ta chưa từng thấy Giuđa Iscariô thề hứa hay cam kết điều gì với Thầy mình thế nhưng việc ông ta bán Thầy với ba mươi đồng bạc khiến ta khó chấp nhận. Đọc Tin Mừng và tìm hiểu Tin Mừng kỹ lưỡng ta thấy rằng chẳng phải vì Giuđa ham hố gì ba mươi đồng bạc để đánh đổi sinh mạng của Thầy chí thánh. Ông ta được Chúa Giêsu giao cho giữ túi tiền và ròng rã suốt ba năm bớt xén quỹ chung trong sinh hoạt cũng như trong việc bố thí cho người nghèo thì với ông ta ba mươi đồng chẳng đáng là bao. Các nhà chú giải cho ta hay động cơ phản bội của Giuđa là muốn dồn Thầy mình vào tận chân tường. Vào thế chẳng đặng đừng thì Thầy phải ra tay thi thố quyền năng. Chắc hẳn lần này Thầy không thể từ chối vương quyền mà dân chúng, đặc biệt ở Giêrusalem xưng tặng. Thầy đã làm vua thì mình, Giuđa Iscariô này, dẫu không tranh được cái ghê bên hữu bên tả thầy như Phêrô, Gioan, Giacôbê, chí ít thì cũng được vào hàng quan nhị phẩm của triều đình mới. Vì lợi ích cá nhân, vì danh vọng, quyền bính của chính mình để rồi phản bội Thầy chí thánh thì thật là đáng ghét đáng khinh. Rất có thể ông Giuđa nghĩ rằng Thầy không thể thua vì đã từng chứng kiến quyền năng của Thầy, nhưng điều này cũng khó có thể bào chữa cho những tính toán vụ lợi bất chấp cả nghĩa tình và tôn ti. Một sự phản bội có tính toán xuất bởi những ích lợi cá nhân quả thật đáng ghét.

Tuy nhiên cái đáng ghét của Giuđa cũng thật “đáng thương”. Ông ta đáng được thương xót vì đã lầm. Trong thâm tâm, Giuđa đâu có muốn làm hại Thầy. Ta dễ nhận ra điều này khi thấy Thầy chịu bó tay trước bạo lực của thần quyền và thế quyền thời bấy giờ ông đã công khai ném trả số tiền bán Thầy cho các Thượng Tế và thú nhận : “tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan”( Mt 27,4 ). Quả thật Giuđa đang còn lương tri và chút liêm sĩ khi thú tội công khai, một điều mà lắm người trong chúng ta kể cả những vị có chức có quyền đạo đời dễ gì có được khi mà chỉ biết đổ lỗi cho cơ chế hay đổ lỗi cho nhau như hai ông trưởng, phó bộ giao thông vận tải vừa qua trong vụ án PMU 18. Lỗi lầm của Giuđa quả “đáng thương”.

Chuyện Giuđa ngã lòng thất vọng đi thắt cổ tự vẫn như Thánh sử Matthêu trình bày ( x. Mt 27,5 ) hay ông ta “ ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra” như lời thánh Phêrô ( x. Cvtđ 1,18 ) thì ta có thể cảm thông cho ông cách nào đó. Một khi đã tự nhận mình là “ nô tài có tội”, “hạ thần đáng chết” thì cũng có thể làm những sự quẩn trí. Thái độ của mẹ Hội Thánh trước sự tự vẫn của một Giám mục muốn phản đối một luật bất công hay của một nhân viên trong giáo triều vừa qua khiến ta nhận ra điều này. Một người trong tình trạng mất quân bình thì khi thực hiện một hành vi đáng trách nào đó cũng dễ được khoan dung. Theo tôi, sự ngã lòng của Giuđa chắc không làm cản trở lòng thương xót vô bờ của Chúa.

Trường hợp Tông Đồ Phêrô thì dường như ngược lại. Chính ông đã hơn hai lần tuyên hứa: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai……( Ga 7,68 ); Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không( Mc 14,29 ); Lạy thầy, dầu có phải vào tù hay phải chết với Thầy đi nữa, con cũng sẵn sàng”( Lc 22,33 ). Thế mà trước người đầy tớ gái của Philatô ông đã chối Thầy. Tin mừng tường thuật Phêrô chối Thầy những ba lần nghĩa là chối “sạch sành sanh”. Tuy nhiên nếu loại bỏ sự sợ hãi tức thời lúc ấy thì nguyên nhân dẫn đưa Phê-rô đến sự phản bội đó là vì đã quá có lòng với Thầy. Không như các Tông Đồ khác, sau khi Chúa Giêsu bị bắt chính Phêrô đã lò dò vào sân dinh vị Thượng Tế để theo dõi số phận của Thầy, Người mình yêu mến.

Chúng ta nhận ra tấm lòng của Phêrô đặc biệt khi ông nghe Thầy tiên báo cuộc khổ nạn của Ngài tại Giêrusalem, ông đã vội can ngăn. Chắc hẳn khi quở trách Phêrô là satan thì Chúa Giêsu đã tỏ tường tấm lòng của ông. Ông thương Thầy nên không muốn Thầy phải chịu khổ. Có thế thôi. Trong vườn cây dầu, trước đoàn binh lính đông đảo, chỉ mình Phêrô rút gươm chiến đấu để bảo vệ Thầy. Trong số Tông đồ và môn đệ có người được Chúa Giêsu yêu mến cách đặc biệt hơn như Tin Mừng Gioan ám chỉ, thế nhưng người yêu mến Chúa Giêsu hơn ai hết ta phải thừa nhận đó là Phêrô. Chính Chúa Giêsu Phục Sinh khi hiện ra với các Ngài trên bờ hồ Tibêria đã hỏi : Phêrô, anh có yêu mến ta hơn những người này không ? Và Phêrô đã trả lời : Thưa Thầy, Thầy biết rồi mà ( x. Ga 21,15 ). Chính tấm lòng của Phêrô dành cho Thầy chí Thánh phải chăng là một trong những nguyên cớ dẫn ông đến chỗ phản bội, chối Thầy ? Ông đã phản bội nhưng là một sự phản bội khá “dễ thương”.

Sự dễ thương nơi Phêrô còn thể hiện qua dòng nước mắt thông hối ăn năn. Dù không công khai xưng thú như Giuđa nhưng với một người đánh cá vạm vỡ, vốn năng động, luôn đi đầu trong lời nói lẫn việc làm như Phêrô giờ đây lại đầm đìa nước mắt cũng đủ nói lên tấm lòng của ông.

TÌNH YÊU PHỦ LẤP MUÔN VÀN TỘI LỖI ( 1.P 4,8 ).

Ai trong chúng ta cũng đã từng bất trung, phản bội cách này hay cách khác, công khai hay kín đáo. “ Lạy Chúa con, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành… mà con đã cả lòng phản nghịch cùng Chúa…”. Lời kinh ăn năn tội ai cũng thuộc từ khi “xưng tội rước lễ lần đầu”. Ta không chỉ thuộc mà rất thường xuyên đọc những khi xét mình. Cố quyết giữ tín trung với lời khấn hứa, với điều cam kết nhưng rồi ta lại vẫn bất tín, bất trung. Phận người là thế, rất dễ đổi thay. Rất may cho ta là có được cảm nghiệm của Thánh Tông Đồ cả. Chính Ngài đã truyền lại cho ta những lời tâm huyết này : “ Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi” ( 1. P 4,8 ). Tình yêu không chỉ xoá đi lỗi lầm bất tín, bất trung mà còn là động lực giúp ta can đảm bắt đầu lại. Có được tấm lòng thì “dù khi thất vọng, dù khi mõi mòn, con vẫn cậy trông để lại bắt đầu” (một ca từ của linh mục Mi Trầm ). Và cũng xin dùng một lời ca của cố nhạc sĩ họ Trịnh để khép lại những suy tư này:“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Một mục tử khi sống có tâm, có lòng với đoàn chiên, với những người nghèo hèn khốn khổ thì dù cho lầm lỗi vẫn có đó bất tín bất trung vẫn còn đây nhưng sẽ dễ được bà con khoan thứ. Tình người đã thế huống là tình Chúa chí nhân. Khi đã có lòng với nhau hẳn là ta đang có tình với Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột

 

Ngài Đã Nhìn Tôi

 

Suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa với thân thể bầm dập, ngã lên, ngã xuống bên cạnh những phỉ nhổ, mắng nhiếc… thật là bi thảm và nhục nhã. Cái chết của Chúa cỏn đọng lại nơi tôi một sự cảm xúc tận cùng. Ngài đã chết cho tôi và một cảm nhận sâu xa về một cử chỉ mà tôi cho là ấn tượng, xâm lấn tâm hồn tôi : Ngài đã nhìn tôi cũng như Ngài đã ngoái lại nhìn Phêrô.


Trong hoàn cảnh thật bi đát, Chúa lọt vào tay kẻ thù, đầy đau đớn, khổ nhục. Phêrô không dám cùng chết với Thầy, chỉ lén lút theo sau và liều lĩnh vào sân đình dò xem việc xảy ra như thế nào, và ở đó, Phêrô đã phản bội, đã chối Chúa.


Đáng lý trong giờ phút hãi hùng đó, Chúa chỉ nhớ đến cuộc tử nạn, chỉ nghĩ đến cái án thảm khốc trên Thập Giá, không còn nhớ, còn nghĩ đến ai nữa. Nhưng không, khi người ta dẫn Chúa ngang qua sân đình, thì : Chúa ngoái lại nhìn Phêrô.

 

Cái nhìn này là những tiếng nói không lời, là tiếng nói của tình yêu, tiếng nói hàm xúc thắm thiết hơn trăm ngàn lời nói bên ngoài. Cái nhìn đầy âu yếm, mà cũng là cái nhìn thấu suốt, cái nhìn than trách, cái nhìn nài van,...


Không phải tiếng gà gáy đã cảnh tỉnh Phêrô, nhưng chính cái nhìn của Chúa Kitô, cái nhìn làm cho Phêrô không chối lại được.


Chúng ta hãy nhìn lên Chúa và van nài với Chúa: Lạy Thầy, xin cho con được thấy.


I. CÁI NHÌN CỦA CHÚA


1. Cái nhìn thấu suốt


Phêrô khiếp đảm trước cái nhìn đó, vì không giấu được Chúa một điểm nào: “Mọi sự trần trụi và phơi bày” (Dt 4,13). Những phấn khởi quá độ, những yếu đuối, những liều lĩnh, những sa ngã, những phản bội,... Chúa đã nhìn thấy và do đó chúng ta hiện ra rõ rệt trong tâm trí Phêrô.



Giờ này Chúa cũng dang trực nhìn tôi, tôi không giấu được Chúa chi cả, nhưng thảm quá, chính tôi không biết tự nhìn tôi và không tự nhận biết tôi. Tôi dựa vào những việc lành đã làm mà phấn khởi như Phêrô. Tôi tưởng là tôi trung thành nhiệt tâm với Chúa. Tôi lại không nhớ đến những yêu đuối, những liều lĩnh như Phêrô và có khi đã sa ngã. Tưởng mình giàu, nhưng thật là nghèo khó trước mặt Chúa (Khabacuc 3,7).


2. Cái nhìn khổ đau

 

Không những Chúa nhìn với cái nhìn thấu suốt và Chúa cũng nhìn với cái nhìn đầy đau đớn phiền trách, mặc dầu cái nhìn rất tế nhị, chỉ ngắn ngủi thôi.


Chính cái nhìn ngắn ngủi đó đã làm cho Phêrô hết sức đau buồn. Bao nhiêu ân huệ của Chúa – vừa gặp đã tặng cho biệt hiệu là “Đá”, là tảng đá (Ga 1,2) để rồi khi Phêrô tuyên xưng đức tin, Chúa lại quả quyết: “Này con là Đá, tên viên đá này Cha sẽ xây Giáo Hội Cha” (Mt 16,16 tt), ban cho ân huệ đi trên sóng biển (Mt 14,29), được hưởng vinh quang trên núi thánh Tabor (Mt 17,1),... thế mà Phêrô đã phản bội.

Chúa cũng nhìn chúng ta với cái nhìn phiền trách. Chúng ta không phải là hạng người được nhiều ân huệ Chúa sao? Chúa đã chọn chúng ta trong muôn vàn người, Chúa hướng dẫn bước đường chúng ta, bao lần hộ vực chúng ta khỏi nguy hiểm, sa ngã và ban cho chúng ta biết bao đặc ân. “Thầy không gọi chúng con là tôi tớ mà gọi chúng con là bạn hữu” (Ga 15,15).


Nhưng chúng ta đã phản bội lại Người và Chúa đã phiền trách: Con không thức được với Cha một giờ sao? Tại sao con quá lo về bánh ăn và áo mặc. Chúng con chưa uống nổi chén đắng của Cha, tại sao chúng con muốn tranh chấp với nhau? Hoặc Chúa phiền trách một cách nặng nề hơn: Ích gì cho dòng máu Cha đổ ra? Kẻ ngồi ăn một bàn với Ta đã giơ Chân đạp Ta.

 

Chúng ta hãy nhìn cái nhìn của Chúa Giêsu để nhận thấy Chúa phiền trách ta và phiền trách về những điểm nào ?


3. Cái nhìn van nài


Chúa như muốn nói với Phêrô: Cha đã cầu nguyện cho con vững đức tin. Cha đã khóc tội phản bội của con không phải với dòng lệ đơn thuần, nhưng bằng dòng lệ máu, không chỉ khóc với đôi mắt thôi nhưng với toàn thân và Cha sẽ chắt cạn dòng máu để rửa sạch tội con. Cha rất đau khổ và e ngại cho nên Cha phải nói lên lời khẩn khoản: “Cha khát” (Ga 19,28). Hãy trở về với Chúa của con, hãy yêu mến nhiều thì được tha thứ nhiều. Yêu hết lòng thì sẽ được tha thứ tất cả. Đừng phản bội nữa.


Chúa cũng nhìn chúng ta trong giờ phút này. Nhìn với cái nhìn phiền trách, nhưng cũng là cái nhìn âu yếm thiết tha, cái nhìn van nài. Thật ra Chúa có quyền bắt buộc, tuy nhiên Chúa tình yêu không muốn bắt buộc, chỉ van nài thôi. Hãy trở lại, hãy ngồi cạnh Chúa để bớt đau phiền và hãy yêu mến Chúa với tất cả tâm hồn.


Lạy Chúa, xin Chúa hãy nhìn con, dầu cái nhìn phiền trách, nhưng cũng xin Chúa nhìn con với cái nhìn âu yếm nữa. Đời con phải là một hoán cải liên tục. Nếu Chúa không còn nhìn con, Chắc con sẽ ở mãi trong tình trạng lãnh đạm và có khi con sẽ rơi vào con đường hư mất của Giuđa. Xin Chúa nhìn con và cho con nhận biết cái nhìn âu yếm của Chúa.

 

II. NHỮNG HIỆU QUẢ TỪ CÁI NHÌN GIÊSU


1. Suy nghĩ và hành động


Chúa nhìn Phêrô, nhờ đó Phêrô nhớ lại nghĩa là Ngài bắt đầu suy nghĩ và khởi sự hành động, Ngài không thụ động trước cái nhìn của Chúa.


Thánh Augustin từng nói: “Chúa tạo dựng không cần có ta, nhưng cứu rỗi cần chúng ta phải cộng tác”. Còn Pascal lại nói: “Chén thuốc để trên bàn, nếu ta không nâng nó lên môi, thì nó có giá trị ngang hàng với chén nước lã”, từ bàn lên môi khoảng cách tuy ngắn, nhưng là khoảng cách quyết định.


Mỗi người phải tự đảm nhiệm phần rỗi của mình, không ai làm giùm cho ai được.


2. Sám hối và ăn năn


Chúng ta có bao giờ khóc cho đời chúng ta không? Hay chúng ta tự mãn. Đời tôi hơn giáo hữu nhiều, tôi đã đoạn tuyệt với trần gian, tôi đã hy sinh tình gia thất, tôi đã dâng hiến cuộc đời phụng sự thiên hạ. Tôi còn phải làm chi hơn hữa? Nhưng đúng ra, thực sự chúng ta có đoạn tuyệt không? Có quên hẳn tình yêu gia thất không? Có phụng sự, có làm tất cả việc lành mà Chúa đòi hỏi không? Hay đời chúng ta còn vương vấn và cũng có thể chúng ta đã lầm lỡ sa vào hố tội lụy? Ngay những việc đã làm có việc làm nào dám cả quyết là hoàn hảo về mọi phương diện không?


3. Hoàn toàn thuộc trọn về Chúa


Nhưng khóc lóc thảm thiết chưa đủ, Phêrô đã bước ra ngoài, không còn dám ở trong hoàn cảnh liều lĩnh như trước nữa, đã bước ra ngoài tình trạng tội lỗi, phản bội và từ đó cuộc đời Ngài là của Chúa, thuộc về Chúa, thời giờ hoàn toàn để cho Chúa và cả sinh mạng nữa... và cho đến sau cùng đành chết ngược trên Thập Giá cho Chúa.


Lạy Chúa, Chúa đi qua xin đừng ngoảnh mặt đi, một hãy ngoái lại nhìn con và xin cho con được nhận thấy cái nhìn đó và biết phản ứng cho thích đáng. Đừng như Giuđa khi rửa Chân, Chúa cũng nhìn âu yếm và có khi Chúa đã dùng dòng lệ rửa Chân cho Giuđa nữa, nhưng thảm quá, Giuđa đã không nhận thấy, không nhớ lại đời sống đã qua, không giọt lệ nào để đáp lại cái nhìn đau đớn của Chúa. Để đến giai đoạn Giuđa hôn mặt Chúa, Chúa phải đau đớn chua sót mà nói với Giuđa: này bạn đến đây để làm gì? (Mt 26,50).


Vâng, xin cho con nhận ra : Chúa đang nhìn con và rất mong con trở về như Phêrô.


Ts. Dom. Đinh viết Tiên, OP

 

 

 

Alleluia có nghĩa là gì?

 

Đặc trưng của mùa Phục sinh là các lời chúc tụng Alleluia vang lên trong các bài ca. Alleluia có nghĩa là gì? Tại sao trong mùa Chay, phụng vụ không cho phép hát Alleluia?

 

 Alleluia là một thành ngữ gốc Do thái, ghép bởi hai từ (hallelu( (hãy ngợi khen, động từ hillel ) và (jah( (Giavê, Thiên Chúa). Như vậy, alleluia có nghĩa là (hãy ngợi khen Chúa(.  Nên biết là bản dịch Kinh thánh sang tiếng Hy lạp và tiếng Latinh đã để nguyên văn Do thái chứ không dịch nghĩa (aineite ton Kyrion; laudate Dominum ) cũng tựa như đối với từ ngữ Amen . Cả hai tiếng (Amen( và (Alleluia( đều là công thức phụng vụ. Amen khẳng định niềm xác tín, chấp nhận lời Chúa; Alleluia mang tính cách tôn vinh chúc tụng.

 

 Người Do thái hát Alleluia vào dịp nào?

 

Thật khó biết được công thức Alleluia được sử dụng từ hồi nào. Điều đáng ghi nhận hơn cả là Alleluia gặp thấy trong một số thánh vịnh , được đặt tên là những (thánh vịnh Hallel( (từ 113-118, theo lối đánh số của bản Do thái). Một nhận xét khác là nói chung alleluia thường được đặt ở đầu các thánh vịnh vừa nói, nhưng có khi ở cuối thánh vịnh (các tv 115; 117), có khi cả ở đầu cả ở cuối (thí dụ 113). Ngòai ra, alleluia cũng gặp thấy kể cả bên ngòai lọat các thánh vịnh Hallel (chẳng hạn các thánh vịnh 105-106; 111-112; 135-136; và nhất là sáu thánh vịnh cuối cùng, từ 146 đến 150). Có lẽ người Do thái còn hát Alleluia vào các dịp khác nữa chứ không hẳn là lúc đọc thánh vịnh, như ta thấy nói đến ở sách Tôbia (13,18):  (Các cửa thành vang tiếng ca hoan hỷ, mọi nhà sẽ cùng hát: (alleluia, chúc tụng Thiên Chúa là Đấng Israel tôn thờ(!(.

 

Như vậy khi hát Alleluia, các Kitô hữu chỉ lặp lại một tập tục của người Do thái thôi hay sao?

 

Thiết tưởng cần phân biệt nhiều chặng: trước tiên, trong đời đức Giêsu; kế đến, trong Hội thánh tiên khởi; và chặng thứ ba trong phụng vụ. Trước hết, nếu xét trong cuộc đời của đức Giêsu thì chắc rằng Người đã hát alleluia nhiều lần khi tham dự phụng vụ với đồng bào của mình. Các sử gia đã lưu ý đặc biệt tới trình thuật thiết lập bí tích Thánh thể dựa theo Phúc âm nhất lãm, trong khung cảnh của một bữa tiệc Vượt qua, trong đó Phụng vụ Do thái hát các thánh vịnh Hallel đã nói trên đây (113-118 và 135).

 

Sang giai đoạn hai (nghĩa là Hội thánh tiên khởi), rất có thể các tín đồ gốc Do thái cũng hát các thánh vịnh Hallel vào lúc cử hành Thánh thể, vì muốn lặp lại cử chỉ của Chúa Giêsu. Dù sao, trong Tân ước, ta thấy lời chúc tụng Alleluia xuất hiện trong một bối cảnh khác, đó là bài ca khải hòan trên thiên quốc được ghi lại trong sách Khải huyền chương 19. Lời Alleluia được vang lên 4 lần như điệp khúc (câu 1.3.4.6). Thật khó mà xác định được đây chỉ là một thị kiến của thánh Gioan, hay là phản ánh của một buổi cử hành phụng vụ Kitô giáo. Dù sao thì ngày nay, đọan văn này trở thành thánh ca giờ kinh chiều chúa nhựt ngòai mùa chay.

 

Từ hồi nào alleluia được đưa vào phụng vụ Kitô giáo?

 

Chúng ta không nên quan niệm phụng vụ Kitô giáo  hòan tòan bắt đầu từ con số không. Như đã nói trên, Chúa Giêsu và các tông đồ đã nhiều lần đọc các thánh vịnh dựa theo truyền thống Do thái, trong đó có nhiều thánh vịnh alleluia. Do đó, ta có thể suy ra là ngay từ đầu các lời chúc tụng alleluia đã đi vào phụng vụ Kitô giáo qua ngỏ các thánh vịnh . Điều này càng rõ hơn khi đọc tác phẩm các giáo phụ viết từ thế kỷ thứ tư. Thánh Athanasiô, Basiliô, Grêgôriô Nyssa bắt đầu viết những khảo luận về ý nghĩa alleluia khi chú giải các thánh vịnh Hallel. Đến khi đời đan tu thịnh hành, người ta thấy nhiều khỏan luật ấn định việc sử dụng alleluia trong các thánh vịnh, nghĩa là alleluia được thêm vào hết mọi thánh vịnh cho dù trong nguyên bản Do thái không có. Một thí dụ điển hình là luật thánh Biển đức dành hẳn một chương 15 để ấn định khi nào đọc alleluia: trong mùa phục sinh, alleluia được thêm vào hết các thánh vịnh và đáp ca; ngòai mùa phục sinh, thì thêm alleluia vào 6 thánh vịnh chót của giờ Kinh Đêm, và nếu là chúa nhựt thì thêm vào các thánh vịnh giờ kinh sáng.

 

Alleluia được gắn liền với các thánh vịnh trong phụng vụ các giờ kinh. Còn trong thánh lễ thì sao?

 

Dựa theo sự nghiên cứu của cha Martimort, từ thế kỷ IV, alleluia đã được hát trong thánh lễ ở nghi thức rước sách Phúc âm.  Việc công bố Phúc âm tượng trưng Chúa Kitô hiện diện giữa cộng đòan để giảng dạy. Vì thế mọi người đứng lên chăm chú lắng nghe. Do đó, việc rước sách Phúc âm được kèm theo nhiều nghi thức long trọng, với các giúp lễ cầm đèn, xông hương, đang khi cộng đòan tung hô alleluia. Ra như phụng vụ muốn diễn tả lại nghi thức nhân dân thành phố Giêrusalem đón rước đức Giêsu vào thành, và nhất là đòan rước trên thiên quốc được mô tả trong sách Khải huyền. Lời chúc tụng Alleluia được đệm thêm với những câu thánh vịnh hoặc những đọan Kinh thánh, tạo nên một bài ca. Tập tục này còn được lưu giữ trong phụng vụ ngày nay, bên Tây phương cũng như bên Đông phương. Dần dần, ngòai lời chúc tụng trước khi đọc Phúc âm, alleluia cũng được thêm vào các bài ca nhập lễ, ca hiệp lễ nữa.

 

Nếu alleluia là lời chúc tụng Chúa, thì tại sao lại không được sử dụng trong mùa chay? Đâu phải là mùa Chay thì miễn chúc tụng Chúa đâu?

 

Đúng vậy, ta phải chúc tụng Chúa luôn luôn, mọi nơi mọi lúc. Đó cũng là quan niệm của Phụng vụ bên các giáo hội Đông phương: họ hát alleluia quanh năm. Nhưng bên Tây phương thì lại khác. Tại sao vậy? Các sử gia đưa ra giả thuyết như sau. Mặc dù trong nguyên ngữ Do thái (alleluia( chỉ có nghĩa là (hãy chúc tụng Chúa(, nhưng khi được chuyển sang văn hóa latinh thì nó mang một sắc thái khác, đó là nó biểu lộ sự vui mừng. Tại Rôma cho đến thế kỷ V, alleluia chỉ được hát vào lễ Phục sinh hoặc tối đa là cho đến hết mùa Phục sinh. Tập tục này cũng được áp dụng ở Bắc Phi, như ta thấy ở các bài giảng của thánh Âutinh. Mùa chay là thời đền tội, và các tín hữu quỳ gối khi cầu nguyện; còn mùa Phục sinh là thời kỳ hoan hỉ, và các tín hữu đứng khi đọc kinh, miệng hát alleluia. Đang khi đó, các nơi khác bên Tây phương không biết đến tập tục đó, và họ hát alleluia quanh năm cũng y như bên Đông phương. Nhưng khỏang cuối thế kỷ VIII, tập tục Rôma thắng thế, alleluia được dành cho mùa Phục sinh, và tuyệt đối cấm hát trong mùa chay. Và phụng vụ Rôma trước đây có nghi thức tiễn biệt và đón rước Alleluia. Trước khi ngưng hát alleluia (kể từ chúa nhựt 70) ca đòan hát một điệp ca đệm nhiều lời alleluia. Và đêm Vọng Phục sinh, thì phó tế lên giảng đài trịnh trọng xướng ba lần ca khúc  alleluia loan báo cho toàn dân tin mừng Alleluia: (Adnuntio vobis, reverendissime Pater, gaudium magnum quod est Alleluia(. Cũng vì Alleluia tượng trưng cho niềm vui, cho nên trước đây, người ta không hát trong lễ an táng hoặc cầu cho người chết.

 

Trên thực tế, ngày nay phụng vụ chỉ hát alleluia trong mùa phục sinh mà thôi hay sao ?

 

Không phải thế. Trong Thánh lễ, alleluia được xướng lên như bài ca chúc tụng trước khi đọc Phúc âm suốt năm, chỉ trừ mùa Chay. Trong mùa Phục sinh, thì alleluia được thêm vào các đáp ca, điệp xướng, ca nhập lễ vân vân. Đó là nói đến các bản văn phụng vụ chứ không thể kể hết những thánh ca bình dân hoặc các bản trường ca (tựa như Messiah của Handel viết năm 1741). Dù sao đi nữa, khía cạnh vui tươi khi hát alleluia không chỉ tùy thuộc cung điệu của các nhạc sĩ hoặc tài nghệ của ca đòan, nhưng tùy thuộc rất nhiều vào tâm hồn của ta. Khi tâm hồn ta đang buồn rười rượi, thì có tham dự cả chục đại nhạc hội, ta vẫn buồn như thường, phương chi là hát alleluia! Đây là một nhận xét rất tinh tế của thánh Augustinô trong nhiều bài giảng Phục sinh. Phụng vụ Phục sinh biểu lộ niềm tưng bừng hoan hỉ của biến cố Chúa Phục sinh. Nhưng thử hỏi: trên cõi đời này làm gì có niềm vui trọn vẹn, bởi vì tâm hồn chúng ta luôn bị ám ảnh bởi bao nỗi lo âu buồn phiền. Liệu tiếng hát alleluia có trở thành giả dối không? Thánh nhân trả lời thế này. Nói cho đúng, chỉ có các thiên thần và các thánh nhân trên trời mới có thể hát alleluia cách trọn vẹn, bởi vì các ngài có thể ca ngợi Thiên Chúa suốt ngày đêm và nhất là các ngài không còn bận tâm lo lắng gì nữa. Chúng ta hát alleluia với niềm khao khát sẽ cũng được thông phần hoan hỉ với các ngài (sermo 252,9). Alleluia trở nên bài ca hy vọng tin tưởng, khi biết rằng Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta, và hứa ban cho chúng ta hạnh phúc vĩnh cửu (sermo 254,5). Dù sao đi nữa, chúng ta không phải chỉ hát bằng lời ca nhưng còn bằng cuộc đời. Alleluia có nghĩa là (hãy ngợi khen Chúa(. Chúng ta hãy ngợi khen bằng cuộc sống và miệng lưỡi, bằng con tim và bằng đôi môi, bằng tiếng hát và bằng nếp sống. Chúa muốn chúng ta hát alleluia cho thật hòa điệu chứ đừng hát ngang cung. Vì thế hãy để cho lưỡi hợp điệu với nếp sống, môi miệng hợp với lương tâm. Như đã nói, chỉ có trên trời mới có hợp điệu tuyệt đối, chứ ở dưới trần này, lương tâm ta áy náy đủ chuyện: nào là sai lỗi, nào là chước cám dỗ, và vì thế ta phải cầu nguyện: (Xin Cha tha nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ(. Dù vậy, thưa anh em, dù giữa bao sự dữ, ta hãy cứ hát alleluia đi, bởi vì Thiên Chúa tốt lành và tha thứ tội lỗi chúng ta, và cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ. Sự dữ nào? Bệnh tật ư? Tù ngục ư? Không phải thế đâu. Bạn nghĩ cho kỹ đi: sự dữ gì làm bạn sợ nhất? Có phải là cái chết không? Nhưng anh em có biết rằng Chúa đã cứu thân xác anh em khỏi chết hay không? Sự dữ đáng sợ nhất mà ta không còn lo nữa, thì phải sợ cái gì? Các chước cám dỗ ư? Lo gì, Thiên Chúa là Đấng tín trung, Ngài không để cho anh em bị thử thách quá sức của mình đâu; trái lại, Ngài còn ban cho anh em sức mạnh để vượt qua cơn thử thách nữa. Vì thế anh em hãy hát alleluia đi, hát giống như những người lữ hành, vừa đi vừa hát, hát để an ủi nhau giữa lúc lao nhọc, hát để khích lệ nhau nuôi dưỡng niềm hy vọng có ngày  sẽ tới nơi an nghỉ. Nhưng vừa hát vừa lên đường, chứ đừng dừng lại, trở lui, hay rẽ ngang. (Sermo 256,3).

 

Lm. Phan Tấn Thành, OP

 

Tưởng nhớ nhân lễ giỗ 2 năm ĐTC  Gioan Phaolô II ( 02/04/2005 -02/04/2007)

 

ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II,

VỊ GIÁO HOÀNG DU HÀNH

 Trong 26 năm triều đại Giáo hoàng của Người, ĐTC Gioan-Phaolô II đã thực hiện 104 cuộc tông du ngoài nước Ý và 146 cuộc kinh lý trong nước. Với tứ ac1ch là Giám mục Rôma,  Người đã đi thăm 317 trong tổng số 333 giáo xứ thuộc địa phận Roma. Ngjười đã có 1145 buổi triều yết ngày Thứ Tư với 17.600.ooo khách hành hương, không kể các lần tiếp kiến đặc biệt và cac1 nghi thức tôn giáo [ Riêng Năm Thánh 2000 đã có hơn 8 triệu người hành hương]. Ngoài ra rất nhiều nhân vật các chính phủ được Người tiếp kiến: 38 cuộc công du chính thức và 738 buổi triều yết av2 gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia;cùng với 245 buổi triều yết và gặp gỡ của các thủ tướng.

  ĐTC Gioan-Phaolô II đã phong chân phước 147 lần với 1.338 Vị và tôn phong hiển thánh 51 lần với 428 vị thánh. Đặc biệt Người đã phong Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu làm tIẾN Sĩ Hội Thánh.

   Người đã mở rộng đáng kể Hồng Y Đoàn, gồm 231 vị trong 9 viện, và một vị “bí mật” (in pectore) [danh tánh của Vị hồng y nầy chưa bao giờ được tiết lộ] và đã chủ toạn 6 phiên họp khoáng đại Thánh Hội. Người cũng đã chủ toạn 15 thượng hội đồng giám mục.

   Người đã công bố Giáo Lý GH Công giáo và đã cải tổ Giáo Luật latinh av2 Đông phương, thành lập những cơ chế mới và tổ chức lại Giáo triều Roma.

  Lá tác giả cuốn “Qua ngưỡng cửa hy vọng” (10 1994); “Ân Sủng và Huyền Nhiệm: kỷ niệm 50 năm ngày tôi thụ phong linh mục” (11.1996); “Hãy đứng lên và cùng đi”(Duc in altum 5.2004) và “Hồi Ức và Nhận Dạng” (2.2005),v..v…

  Ngày 28.04.2006, ĐTC Biển-Đức XVI đã khấng miễn trừ thời hạn 5 năm sau ngày qua đời để mở hồ sơ phong chân phước – tôn phong hiển thánh cho Đức Gioan-Phaolô II. Vụ án sẽ được mở vào ngày 28.6.2007 do ĐHY Camillo Ruini, Tổng đại diện giáo phận Rôma.

 

BƯỚC THỨ NHẤT CHUẨN BỊ PHONG CHÂN PHƯỚC

CHO ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ II

(CWNews 18.01) Tờ tuần báo Ý Panorama đã báo trước rằng bước thứ nhất hồ sơ phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ hoàn tất vào khoảng 02.04.2007,hai năm sau khi Ngài băng hà. Tờ Panorama cho biết một cuộc điều tra đời sống và sự nghiệp của Vị Giáo hoàng người Ba-Lan, hiện đang được tiến hành ở giáo phận Rôma [theo Giáo luật. ND] sẽ sớm hoàn tất, sau đó sẽ chuyển hồ sơ đến Thánh Bộ Phong Thánh Vatican. Cả Vatican và Roma đều không nói gì về bản tin nầy.

  Từ tháng 11.2005, Đức hồng Y Tổng Giám Mục Cracovie, Đức tổng GM Stanislas Dziwisz, đã nêu ra việc chữa lành một nữ tu người Pháp nhờ lời chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô II.Một phép lạ khác ở Ý,trong giáo phận Salermo cho một thanh niên Ý, do Đức Tổng giám mục Pierro loan báo. Các bác sĩ không thể giải thích được việc chữa lành tức khắc và bền vững nầy. Án phong chân phước và phong thánh cho Đức Gioan-Phaolô II cấp giáo phận đã được mở ở Roma ngày 28.06.2005 tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô,do Đức hồng y Camillo Ruini và người đưa đơn, Đức Cha Slawomir Oder,một linh mục người Ba-Lan ở giáo phận Torun. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng rất quan tâm đến việc phong chân phước nầy cho Vị tiền nhiệm mà Ngài rất yêu mến, kính trọng và cầu  mong cho cuộc phong chân phước và hiển thánh được “mau chóng’. Thánh Bộ Phong Thánh cho biết: vô số thư từ, thư điện tử mà Bộ nhận được cho thấy sự nhất tâm nhất trí của mọi người, giống như trường hợp Mẹ Têrêxa Calcutta.

 

SAU ĐÂY LÀ DANH SÁCH THEO THỨ TỰ THỜI GIAN CÁC CUỘC TÔNG DU.

 

NĂM

NGÀY THÁNG

thứ tự

NƠI ĐI

Ghi chú

1979

25.01 – 01.02

1

Cộng Hoà Đôminica na,Mễ tây Cơ,Bahamas

 

02.06 – 10.06

2

Ba Lan

 

29.09 – 08.10

3

Aí-Nhĩ-Lan,Hoa Kỳ

 

28.11 – 30.11

4

Thổ-Nhĩ-Kỳ

 

1980

02.05 – 12.05

5

Zaire(nay là cộng hoà dân chủ Congo), Congo,Kenya,Ghana,Burkina Faso,Bờ Biển Ngà.

 

30.05 – 02.06

6

Pháp

 

30.06 – 12.07

7

Ba-Tây (Brasil)

 

15.11 – 19.11

8

Đức

 

1981

16.02 – 27.02

9

Pakistan,Phi-Luật-Tân,Guam (Hoa Kỳ),Nhật,Hoa Kỳ

(Alaska mà thôi)

1982

12.02 – 19.02

10

Nigeria,Bénin,Gabon,Ginée Xích Đạo

 

12.05 – 15.05

11

Bồ Đào Nha

 

28.02 – 02.06

12

Anh

 

10.06 – 13.06

13

Rio de Janeiro (Brasil), Á Căn Đình

 

15.06

14

 Genève (Thuỵ Sĩ)

 

29.08

15

Saint-Martin

 

31.10 – 9.11

16

Tây Ban Nha

 

1983

02.03 – 10.03

17

Lisbonne (Bồ Đào Nha),Costa Rica,Nicaragua, Honduras, Panama, Salvador, Guatemala,Belize,Haiti

 

16.06 – 23.06

18

Ba Lan

 

14.08 – 15.08

19

Lộ Đức (Pháp)

 

10.09 – 13.09

20

Áo

 

1984

02.05 – 12.05

21

Hoa Kỳ (Alaska);Hàn quốc,Papouasie-tân Guinée,Quần Đảo Salomons, Thái Lan

 

12.06 – 17.06

22

Thụy Sĩ

 

09.09 – 21.09

23

Canada

 

10.10 – 13.10

24

Saragosse (Tây Ban Nha),Saint Dômingô (CH Đôminica) và San Juan (Porto Rico)

 

1985

26.01 – 06.02

25

Péru, Équator,Venezuela, Trinité et Tobago

 

11.05 – 21.05

26

Hà Lan, Luxembourg và Bỉ

 

08.08 – 19.08

27

Togo,Bờ Biển Ngà,Cameroun, CH Trung Phi,Zaire (nay là CH dân chủ Congo), Kenya,Maroc

 

08.09

28

Kloten (Thụy Sĩ) và công quốc Liechtenstein

 

1986

31.01 – 11.02

29

Ấn Độ

 

01.07 – 08.07

30

Sainte Lucie và Colombia

 

04.10 – 07.10

31

Pháp

 

18.11 – 01.12

32

Bangladesh,Singapore,Fidji,tân tây Lan, Úc và Đảo Seychelles

 

1987

31.03 – 13.04

33

Chili, Uruguay, Á Căn Đình

 

30.04 – 04.05

34

Đức

 

08.06 – 14.06

35

Ba Lan

 

10.09 – 21.09

36

Hoa Kỳ (Tân Orleans và Detroit) và Pháo Đài Simpson (Canada)

 

1988

07.05 – 18.05

37

Uruguay,Bolivie,Lima (Péru),Paraguay và Curacao

 

23.06 – 27.06

38

Áo

 

10.09 – 19.09

39

Zimbabuê,Bostwana,Lesotho, Swaziland,Mozambique

 

08.10 – 11.10

40

Pháp

 

1989

28.04 – 06.05

41

Madagascar, Đảo Réunion,Zambia,Malawi

 

 

01.06 – 10.06

42

Na uy,Islande,Phần Lan,Thụy Điển, Đan Mạch

 

 

19.08 – 21.08

43

Saint-Jacques de Compostelle và Asturies

Tây Ban Nha

 

06.10 – 16.10

44

Thủ đô Séoul (Hàn quốc),Indonesia và Đảo Maurice

Đại Hội Thánh Thể Thế Giới

1990

25.01 – 01.02

45

Cap Vert, Guinée-Bissau, mali,Burkina-Faso,Tchad

 

21.04 – 22.04

46

Tiệp Khắc

 

06.05 – 14.05

47

Mê Tây Cơ, Curacao

 

01.09 – 10.09

48

Luqa (Malte),tanzania,Burundi,Ruanda,Bờ Biển Ngà

 

1991

05.05 – 13.05

50

Bô@ Đào Nha

 

01.06 – 09.06

51

Ba Lan

 

13.08 – 20.08

52

Ba Lan,Hungary

 

12.10 – 21.10

53

Ba Tây (Brasil)

 

1992

19.02 – 26.02

54

Sénégal,Gambie,Guinée

 

04 .06 – 10.06

55

Angola,Sao Tomé-và-Principe

 

09.10 – 14.10

56

Cộng Hoà Đôminica

 

1993

03.02 – 10.02

57

Bénin,Ouganda,Khartoum (Soudan)

 

25.04

58

Albania

 

12.06 – 17.06

59

Tây Ban Nha

 

09.08 – 16.08

60

Jamaica,Mễ -Tây-Cơ,Hoa Kỳ (Denver)

 

04.09 – 10.09

61

Lituanie,Lettonie ,Estonie

 

1994

10.09 – 11.09

62

Croatia (Zagreb)

 

1995

11.01 – 21.01

63

Phi-luật-Tân (Manila),Papouasì Tân Guinê, Úc (Sydney),Sri Lanca (Colombo)

 

20.05 – 22.05

64

CH  Séc, Ba Lan

 

03.06 – 04.06

65

Bỉ

 

30.06 – 03.07

66

Slovakia

 

14.09 – 20.09

67

Cameroun (Yaoundé),Nam Phi (Johannesbourh),Kenya

 

04.10 – 09.10

68

Hoa Kỳ (Newark,New York,Baltimore),Liên Hiệp Quốc

 

1996

05.02 – 12.02

69

Guatemala,Nicaragua,Salvador,Venezuela

 

14.04

70

Tunisie

 

17.05 – 19.05

71

Slovênia

 

21.06 – 23.06

72

Đức

 

06.09 – 07.09

73

Hungary

 

19.09 – 21.09

74

Pháp

 

1997

13.04 – 13.04

75

Bosnia-Herzégovina (Sarajevo)

 

25.04 – 27.04

76

CH S1c

 

10.05 – 11.05

77

Liban (Betrouth)

 

31.05 – 10.06

78

Ba Lan

 

21.08 – 24.08

79

Pháp (Paris)

 

02.10 – 06.10

80

Brasil (Rio de Janeiro)

 

1998

21.01 – 26.01

81

Cuba

 

 

21.03 – 23.03

82

Nigeria

 

 

19.06 – 21.06

83

Áo

 

 

02.10 – 04.10

84

Croatia

 

 

 

 

 

 

1999

22.01 – 28.01

85

Hoa Kỳ (St Louis),Mễ tây Cơ

 

07.05 – 09.05

86

Rumani

 

05.06 – 17.06

87

Ba Lan

 

19.09

88

Slovênia

 

05.10 – 09.10

89

Ân Độ (New Dehli), Géorgie (Gruzia)

 

2000

24.02 – 26.02

90

Ai Cập (Núi Sinai)

 

20.03 – 26.03

91

Jordanie,Bờ tây Sông Gioađan

 

12.05 – 13.05

92

Bồ Đào Nha (Fatima)

 

2001

05.05 – 09.05

93

Malta,Hy lạp.Syri

 

23.06 – 27.06

94

Ucraina

 

22.09 – 27.09

95

Kazakstan,Armênia

 

2002

22.05 – 26.05

96

Azerbaijan,Bulgary

 

23.07 – 02.08

97

Canada,Guatemala,Mê Tây Cơ

 

18.08 – 19.08

98

Ba Lan

 

2003

03.05 – 04.05

99

Tây Ban Nha

 

05.06 – 09.06

100

Croatia

 

22.06

101

Bosnia-Herzegoniva

 

11.09 – 14.09

102

Slôvakia

 

2004

05.06

103

Thụy Sĩ

 

14.08 – 15.08

104

Pháp (Lộ Đức)

 

 

NHỮNG QUỐC GIA NGƯỜI CHƯA THĂM VIẾNG.

Trung Quốc, Nga, Việt-Nam,  Êthiôpi, Pakistan, Iran, Myanmar, Algérie, Afghanistan, Nêpal, Uzbékistan, Ả Rập Sê- út, Irak, Malaysia, Bắc Triều Tiên, Đài Loan, Yémen, Cam bốt, Niger, Serbia-Momtenegro, Bélarussie, Indonésie (ngoại trừ Đông Timor).

Năm 1998,nhân kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lavang, Giáo Hội Việt-Nam đã ngỏ ý, nhưng chính quyền cho biết “chưa sẵn sàng để đón tiếp” Đức Giáo Hoàng.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

 

Tài liệu tĩnh tâm linh mục Giáo phận Phú Cường 2007 ( tiếp theo)

 

LỜI THỨ BA

“NÀY LÀ CON BÀ,

NÀY LÀ MẸ CON”

(GA 19,16-17)

 

GM. Giuse Vũ Duy Thống

 

I. MẪU TÍNH CỦA ĐỨC MARIA

 

Mới mẻ

An cần

Hiệu quả

 

II. ĐỨC MARIA TRONG ĐỜI SỐNG LINH MỤC

Sống như Mẹ

Sống với Mẹ

Sống nhờ Mẹ

 

***

 

LỜI THỨ BA

“NÀY LÀ CON BÀ,

NÀY LÀ MẸ CON”

(GA 19,16-17)

 

 

Người ta bảo trái tim đàn ông có nhiều ngăn, còn trái tim phụ nữ chỉ có một ngăn duy nhất và khi ngăn đó đã dành cho ai rồi thì có trời mới biết như thế nào. Không biết đúng hay sai. Dầu thế nào đi nữa, Linh mục, đàn ông có lẽ cũng dễ dàng đón nhận ghi nhận này. Nhiều ngăn, có ngăn dành cho lý tưởng, có ngăn dành cho công việc, có ngăn dành cho tình cảm, có ngăn để theo đuổi những sở thích riêng tư. Và nếu định luật này được chứng nghiệm thì Chúa Giêsu trên Thánh giá, sau khi đã dành những ngăn ưu tiên cho các tội nhân và cho những người cần được cứu độ thì đến ngăn thứ ba này Ngài mới mở ra cho những kẻ thân thương nhất, đó là Mẹ và môn đệ của Ngài.

 

Lời thứ ba phán ra từ Thập giá chính là lời “Này là con Bà, này là Mẹ con”, được gặp thấy trong Phúc Am Ga 19,16-27. Nếu những lời đã được chia sẻ là những lời cao thượng nhất và uy quyền nhất thì lời thứ ba này được xem là lời cảm động nhất trong bảy lời của Chúa Giêsu trên Thánh giá.

 

Những ngăn trước Chúa Giêsu đã dành cho các tội nhân và những kẻ bất lương, bây giờ trái tim Ngài mở ra ngăn đặc biệt dành cho những kẻ gần gủi với Ngài. Ngăn thứ ba này là ngăn gần gũi với lời trăn trối nhất. Chính vì vậy ĐGH Gioan Phaolô II đã gọi lời này là: Di ngôn của Thập giá hay là Di chúc của Thập giá. Lời của người sắp ra đi để lại cho người thân của mình. Và chính những lời ấy đã khai sinh ra mối liên kết rất rộng lớn trong một họ hàng cũng vô cùng lớn rộng. Thứ họ hàng mà ngày nay ta không ngại để gọi là linh tông.

 

Cha Đỗ Quang Chính trong một bài viết về Giáo sử Việt Nam để ghi nhận những nét hội nhập văn hóa, cũng nhắc đến chi tiết về linh tông này và coi đây như là một nét đặc trưng của đạo Công Giáo khi hội nhập vào quê hương Việt Nam. Không biết có phải Việt Nam đã thực hiện Di ngôn Thập giá một cách sát sườn không, nhưng ít ra chữ linh tông ở đây cũng là một chữ đầy gợi ý, mở về một mối liên hệ rất đặc biệt của Đức Trinh Nữ Maria dành cho tất cả những ai gắn bó lòng tin của mình vào Đức Kitô – Con của Mẹ. Và cũng mỡ ra một mối liên hệ Mẫu tính với những người con của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Và ta gọi đây là một Mẫu tính rất đặc biệt. Phần này xin được chia sẻ những suy tư tổng hợp về Mẫu tính này và đồng thời cũng khởi đi từ Mẫu tính ấy nhìn lại bóng dáng của Linh mục trong mối liên hệ với Đức Trinh Nữ Maria.

 

I. MẪU TÍNH CỦA MẸ MARIA

 

Trước hết là những ghi nhận từ Mẫu tính. Mẫu tính mà Đức Maria được đặt vào trong mối liên hệ với mỗi tín hữu là một Mẫu tính mới mẻ.

 

 1. Một mẫu tính mới mẻ 

 

 “Mới mẻ” bởi trước hết không thuộc về huyết thống mà là thuộc về tinh thần .

 

Thường thì khi nói đến tình Mẫu tử, đến mối liên hệ Mẹ-Con, rất tự nhiên mỗi người dễ dàng hình dung và đặt trong một quỹ đạo của huyết thống. Khi một phụ nữ sinh ra một người con, người phụ nữ ấy có quyền để đón nhận vào trong Mẫu tính của mình một sinh vật mới, người ấy, sinh vật ấy, chính là người con ruột thịt của mình. Điều này thụôc về kinh nghiệm thường thức. Thế nhưng, khi đặt Đức Maria vào trong mối liên hệ Mẹ-Con đối với nhân loại thì ở đây người ta nhận lấy một Mẫu tính thuộc về tinh thần. Điều “mới mẻ” nữa là nó vượt lên trật tự tự nhiên và cũng chỉ mượn hình ảnh tự nhiên để diễn tả về một thực tại còn cao đẹp và rộng lớn hơn. ĐGH Gioan Phaolô II đã không ngần ngại nêu lên ví dụ ở trong Tin Mừng. Ngài bảo trong cuộc sống công khai khi Đức Giêsu đang rao giảng Tin Mừng một cách ngon lành, thì một tiếng nói của một người phụ nữ vô danh nào đó đã hét toáng lên rằng: “Phúc thay cho lòng đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú”. Và Chúa Giêsu cũng chẳng chậm trễ, Ngài trả lời ngay: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì còn được hạnh phúc hơn” (x. Lc 11,27-28)

 

Rõ ràng là không phải chỉ đặt vào trật tự mang tính so sánh nhưng ở đây bằng một lời nói đột xuất. Chúa Giêsu đáp lại người phụ nữ vô danh để rồi mở ra cho các thính giả của Ngài một nhãn giới mới về một trật tự mới trong Mẫu tính. Mẫu tính này chúng ta gọi là Mẫu tính tinh thần. Những ai gắn bó với Đức Kitô bằng thái độ đón nhận, bằng con tim rung cảm, bằng việc thực thi lời của Ngài, những người ấy được tiếp nhận vào trong dòng họ với Ngài, trở thành anh chị em với Ngài. Và như thế, được đặt trong một Mẫu tính mẹ-con, họ trở thành anh chị em với Ngài trong một trật tự tinh thần. Ơ đây, đã có một cái gì đó rất mới xảy ra, không phải dừng lại trong một trật tự hình ảnh bóng bẩy mà đã đưa người ta vào một trật tự Mẫu tính tinh thần, bởi vì có lời trăn trối của Đức Giêsu phán ra từ Thập giá. Khi nói với Gioan: “Này là Mẹ con”, Ngài đã đặt Gioan vào trong trái tim của một người Mẹ, người Mẹ ấy cũng là Mẹ ruột của Ngài. Và khi Ngài nói với chính Đức Mẹ và chỉ về Gioan: “Này là con Bà”, thì đã đặt Gioan vào trong tấm lòng của Đức Trinh Nữ Maria. Và vì vậy một Mẫu tính tinh thần đã được khai sinh. Tinh thần ở đây còn vượt lên hơn cả huyết thống và làm nên điều mới mẻ sinh ra từ dưới chân Thập giá.

Điều “mới mẻ” khác là mở ra cho cả nhân loại.

 

 Mẫu tính này không chỉ dừng lại ở nơi môn đệ Gioan mà còn mở ra cho tất cả mọi người, tất cả các dân tộc. Dường như dân tộc nào trong huyền sử của mình cũng có một Mẫu tính chung. Người Việt chúng ta ít nhiều cũng có gắn bó với huyền sử bà Au Cơ, với trăm trứng, với trăm đứa con được sinh ra: năm mươi con lên núi, năm mươi con xuống biển để rồi gây niềm tự hào và cũng để xây dựng tình huynh đệ, nghĩa đồng bào cùng một bọc sinh ra, cùng một nguồn tìm đến và rồi cũng tìm về với nhau.

 

Ơ đây có điều khác biệt là dưới chân Thánh giá Gioan không phải là một cá nhân, mà chính là trong tư cách của một môn đệ từng được Chúa Giêsu yêu mến, trong tư cách của một người đại diện cho cả cộng đồng các môn đệ, và một khi được trao vào trái tim của Trinh Nữ Maria thì Mẫu tính này không chỉ dừng lại nơi chỉ một người mà đã được khai triển, mở rộng cho tất cả cộng đồng nhân loại. Chả thế mà danh xưng “Mẹ nhân loại” đã trở thành danh xưng phổ biến lâu đời trong Giáo hội Công giáo và cũng dễ dàng được đón nhận ở trong văn hóa của chính chúng ta. Dưới chân Thánh giá, Đức Trinh Nữ Maria vẫn được gọi là Trinh Nữ nhưng là một Trinh Nữ hạ sinh. Và có điều lạ là Mẹ đã sinh hạ rất mắn, nói theo từ bình dân là “mắn đẻ” sinh ra rất nhiều người khác nữa trong ơn cứu rỗi Đức Kitô. Và cũng khởi đi từ Mẹ, một linh tông đông nhất có bản quyền, có cầu chứng quốc tế, có ISO không biết hai ngàn bao nhiêu nữa để mở rộng ra cho những ai đón nhận, những người đã gia nhập Kitô giáo một cách minh nhiên cũng như mặc nhiên, cho toàn thể đại gia đình nhân loại.

 

Và “mới mẻ” ở đây không phải là một thứ nhận vơ, nghĩa là mình thích thì mình suy nghĩ ra thế thôi, nhưng mới mẻ thật sự vì được chính Chúa Giêsu thiết lập qua Di chúc Thập giá .

 

Tất nhiên, chẳng có pháp luật, chẳng có luật sư nào chứng kiến theo kiểu nhân loại mà chính là do tấm lòng của Đấng Cứu Thế một khi trao gởi người Mẹ thân yêu của mình vào tay người môn đệ thân yêu nhất cũng là lúc Ngài khai sinh ra một Mẫu tính mới mẻ lạ lùng trong đó mọi thế hệ trong gia đình nhân loại từ F1 Gioan cho đến FY2K chúng ta hôm nay.

 

Ơ đây, khi nói đến Mẫu tính mới mẻ này, nhất là mượn hình ảnh của chữ linh tông để giới thiệu, có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng ít cảm nhận được sự gần gũi với Đức Trinh Nữ Maria như chính trong bản văn, như chính trong khung cảnh dưới chân Thánh giá. Nhưng dù sao đi nữa, hình ảnh linh tông ấy cũng là một hình ảnh đẹp, gần gũi, mà nhiều cha trong chúng ta đã có những kinh nghiệm cụ thể. Tuy nhiên cũng có những điều chúng ta cảm thấy chưa sát cho bằng chính Tin Mừng. Xin lấy trường hợp rất cụ thể. Ơ dưới miền Tây đã có trường hợp xảy ra cho một tân Linh mục chịu chức cách đây hơn mười năm rồi. Bà cố tân Linh mục vẫn còn sống, nhưng khi còn học ở Đại Chủng Viện trong những năm cuối cùng, Ngài đã nhận cho mình một bà cố khác nữa. Dịp lễ mỡ tay, mâm cao cỗ đầy, các bà cố cũng có chỗ riêng. MC đã lớn tiếng mời gọi dành riêng một mâm gần bàn chủ tọa cho các bà cố. Bà cố thật của nhà ta thì lãng tai, ngồi với con cháu ở đâu đó phía dưới, trong khi bà cố thuộc loại linh tông này lại tình cờ có tên là Thật nên người ta cứ hiểu là bà cố thật sự. Khi MC mời bà cố tên Thật bước lên, còn bà cố thật sự thì lại ngồi rụt rè phía dưới. Cứ loanh quanh như thế giữa huyết thống thật và linh tông tên Thật. Mãi sau người ta mới đưa được bà cố thật lên ngồi với bà cố mang tên Thật. Đến khi đó bữa tiệc mới ổn định”và con tim đã vui trở lại”. Không biết đây có phải là một trường hợp hãn hữu, chỉ xảy ra một lần hay cũng có những trường hợp tương tự khác nữa xảy ra giữa những bà cố huyết thống và bà cố linh tông. Có lẽ các cha có kinh nghiệm nhiều về vấn đề này hơn.

 

Vâng chỉ xin mượn một mẫu chuyện cụ thể ấy để nói rằng, ở đây vấn đề linh tông áp dụng vào Đức Maria, nhất là trong Mẫu tính mới mẻ mà Mẹ đã nhận về mình, và mọi môn đệ của Chúa Giêsu nhận được nơi Mẹ thì chỉ muốn minh họa cho khía cạnh tinh thần và chính ĐGH Gioan Phaolô II cũng đã dựa trên tinh thần ấy để khai triển trong thông điệp của ngài. Đó là điểm thứ nhất ghi nhận.

 

 2. Một mẫu tính ân cần

 

 Đỉểm thứ hai ghi nhận về Mẫu tính này nữa đó là Mẫu tính ân cần mang tính chuyển cầu tựa như con thoi được chứng nghiệm ở tiệc cưới Cana. Những ai đã làm quen với những đoạn Tin Mừng về Đức Maria nhất là trong Tin Mừng Gioan, thì không thể không đặt song đối bổ túc hai trình thuật ở tiệc cưới Cana và ở núi Calvê dưới chân Thánh giá. Không phải vô tình mà người ta đã đặt song đối hai trình thuật ấy với nhau để tìm ra những ý nghĩa phong phú mà có những chỉ dẫn xem ra hữu ý và hữu lý khiến ta không thể không xét đến.

 

Nhưng nhìn vào lời thú ba của Chúa Giêsu phán ra trên Thánh giá như lời khai sinh một Mẫu tính tinh thần để nhấn mạnh đến khía cạnh ân cần của Mẫu tính ấy, chúng ta chấp nhận dừng lại trước hết ở biến cố Cana. Ơ tiệc cưới Cana, hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria rất đẹp, cũng giống như ở dưới chân Thánh giá vậy. Chỉ dẫn trước hết đó là “có mẹ Chúa Giêsu ở đó”. Đơn giản có thế thôi. Sự hiện diện của Mẹ ở trong tiệc cưới Cana là một sự hiện diện ân cần mang tính linh động chuyển cầu và di động con thoi giữa bên này với bên kia.

 

Trước hết là một sự hiện diện tận tâm. Chúng ta phải nhớ lại tiệc cưới Cana là một khung cảnh êm đềm, vui tươi theo phong tục của người Do Thái. Điều không chờ đợi đã xảy ra là giữa lúc đỉnh cao của niềm vui làm nên vinh dự cho hai họ, cho hai con người đang dấn bước vào hành trình của yêu thương thì rượu vốn “làm hoan lạc lòng người” lại trở thành yếu tố bị thiếu hụt. Và giả như giữa tiệc cưới mà xảy ra việc ấy không biết đối với phong tục Việt Nam là thế nào, nhưng có lẽ đối với người Do Thái cũng là một điều xui xẻo lắm. Chính vì vậy, sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria ở giữa lòng tiệc cưới được ghi nhận là một sự hiện diện tận tâm là bởi vì Mẹ đã có sáng kiến, Mẹ đã đoán trước được nhu cầu đó và chính Mẹ đã đi bước trước để làm con thoi thực hiện giữa đôi đàng, một đàng là bên đám cưới và đàng khác là bên Giêsu Con của mình. Sự tận tâm của Mẹ được nhận diện qua những tình tiết của câu chuyện. Có lẽ chúng ta không cần ghi nhận tỉ mỉ ở đây, chỉ cần mỗi người giở lại trang Tin Mừng về Cana trong Ga 2,1-11 sẽ gặp thấy những chi tiết ấy.

 

Sự hiện diện của Mẹ Maria mang tính ân cần bởi vì Mẹ tận lực đối với đám cưới. Không phải chỉ có sáng kiến đoán trước được những nhu cầu của người ta mà chính Mẹ dù không rỗi hơi cũng mua việc vào thân của mình, dấn thân đảm nhận lấy trách nhiệm ấy bất kể khung cảnh thuận lợi hay không, bất kể Mẹ có mặt ở đó cũng chỉ trong tư cách một khách mời và bất kể lời xem ra hơi cứng rắn của Chúa Giêsu dành cho Mẹ khi Mẹ trình bày nhu cầu của đám cưới với Ngài. Mặc kệ, Đức Mẹ xông mình vào câu chuyện miễn sao đám cưới đừng đánh mất niềm vui, miễn sao niềm hạnh phúc của những người trong cuộc dâng cao và còn được tiếp nối để dâng cao mãi, mở ra cho nẻo đường của hạnh phúc lứa đôi, cho hạnh phúc gia đình.

 

Và Mẫu tính ân cần này còn được chứng giám bởi chính sự hiện diện rất tận tụy của Mẹ, quên mình chấp nhận phiền hà, âm thầm sắp xếp đôi đàng, rồi chính Mẹ rút lui vào bóng tối, cho niềm vui của đám tiệc được trọn vẹn, và nhất là như Gioan kể cho niềm tin của các môn đệ đầu tiên được lớn lên. Mẹ, một sự hiện diện ân cần đến thế là cùng. Mẹ, một Mẫu tính ngày hôm nay được đọc lại trong nhãn giới của Thập giá, chuyện tiệc cưới Cana đã trở thành một khung cảnh cho thấy Đức Trinh Nữ Maria đã luôn luôn có mặt với tất cả trái tim tận tâm, tận lực, tận tụy của mình làm sao để hạnh phúc của những người xung quanh được trọn vẹn.

 

Chi tiết Mẹ quên mình ở đây là một chi tiết rất đẹp, cũng giống như những phụ nữ Việt Nam tần tảo ở trong bóng tối của phận con cò, cái kiến, miễn sao những người khác trong gia đình được lớn lên, được vươn ra ánh sáng, Đức Maria sẵn sàng rút lui để cho niềm vui và niềm tin của những kẻ mà mình làm con thoi đi lại đôi đàng được lớn mãi. Đó chính là sự hiện diện của Mẫu tính mang lại sự ân cần đã được chứng nghiệm ở Cana.

 

 3. Một Mẫu tính hiệu quả

 

 Và chi tiết thứ ba chúng ta ghi nhận về Mẫu tính này: đó là một Mẫu tính hiệu quả vì quy chiếu vào Mầu nhiệm Thập giá. Ơ đây, rõ ràng những lời chia sẻ một cách tự nhiên đã đưa chúng ta trở về dưới chân Thập giá với lời thứ ba của Đức Giêsu hôm nay. Nhất là trong bút pháp của Gioan, ngài đã ghi với một chi tiết nhiều khi đọc nhanh ta dễ dàng bỏ qua, đó là chi tiết: Mẹ đứng đó.

 

Động từ “đứng ” ở đây rất quan trọng và cũng là một hình tượng giúp chúng ta hiểu dáng đứng của Đức Trinh Nữ Maria kiên cường như thế nào dưới chân Thập giá và cũng qua đó ta hiểu được một dáng đứng đã làm nên Mẫu tính hiệu quả như thế nào trong công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô – Con của Mẹ đã thực hiện năm xưa. Một dáng đứng muôn thuở âm thầm đón nhận như ngày nào đã đón nhận trong tiếng “xin vâng”. Từ bóng tối của đêm Giáng Sinh, đến phút thê lương của chiều Tử nạn, tất cả vẫn là một dáng đứng âm thầm đón nhận của tiếng Fiat trong tâm tình, Đức Maria đã trải lòng ra với chính mầu nhiệm của Thiên Chúa, Mẹ có lẽ cũng không hiểu hết được ý nhiệm mầu Thiên Chúa mở ra cho mình, mời gọi mình tiến vào. Nhưng mặc kệ, Mẹ vẫn có đó một trái tim đón nhận. Và nếu như lúc này chúng ta đã nói vui rằng trái tim người phụ nữ chỉ có một ngăn thôi và nếu ngăn đó dành cho một ai thì trời mới biết những điều gì xảy ra. Trái tim của Đức Maria, một ngăn duy nhất, và ngăn ấy dành cho thánh ý của Thiên Chúa, rồi thì tất cả, Mẹ cứ thế bước theo. Mẹ đứng không phải chỉ một lần mà chính là dáng đứng muôn đời của Mẹ, đứng dưới chân Thập giá và cũng đứng trong mọi cuộc đời tín hữu chúng ta.

 

Và lúc nãy đã thưa rằng: khi đặt cận kề biến cố ở Cana với biến cố ở Canvê với nhau, người ta dễ dàng thấy sáng lên chân dung cũng như dáng đứng của Đức Trinh Nữ Maria. Tại sao? Thưa bởi vì ở trong biến cố ở Canvê cũng như trong biến cố Cana đều có những chỉ dẫn, mà chỉ dẫn “có Mẹ Đức Giêsu ở đó” mới chỉ là một. Còn có một chỉ dẫn thứ hai nữa là Đức Maria ở đây được chính Đức Giêsu xưng với danh xưng là: Bà. Ơ Cana: “Việc đó can chi đến Bà và Tôi”. Và ở đây thì Ngài thưa với Mẹ mình: “Thưa Bà, đây là con Bà”. Có chữ Bà vô cùng gợi ý. At hẳn mọi người tự nhiên nghĩ đến Evà cũ, và đây Đức Trinh Nữ Maria – Evà mới đã đón nhận chức vị một người Mẹ trong một Mẫu tính vô cùng hiệu quả vì gắn bó với Mầu nhiệm Thánh giá Chúa Kitô, để sinh ra các tín hữu, và đại biểu ở đây là Gioan, người môn đệ tiêu biểu, cũng là đại biểu cho mọi môn đệ hôm nay là chúng ta.

 

Và thêm một chỉ dẫn nữa là chữ “giờ ”. Nếu ở Canvê, Ngài bảo với Mẹ mình: “Giờ tôi chưa đến”, thì ở đây Gioan cũng đã xa gần nhắc đến chữ “giờ” của Chúa Giêsu qua ghi nhận: “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. Chữ “Giờ” luôn luôn là một chữ bất ngờ mầu nhiệm, gắn liền với mầu nhiệm cứu chuộc, và luôn luôn, mỗi khi chữ “Giờ” được nhắc đến là nói đến mầu nhiệm Phục Sinh của Đấng Cứu Thế, trong công trình cứu độ thực hiện cho toàn thể nhân loại. Ơ đây, thật ý nhị khi nhắc đến hình ảnh song đối giữa giờ của Đức Giêsu và của Mẹ Maria, như ĐGH Beneditô XVI đã ghi nhận: “Mẹ chấp nhận lui vào hậu cảnh trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu bởi vì Mẹ biết rằng Chúa Con phải thiết lập một gia đình mới và giờ của Mẹ đến với Thánh giá, giờ ấy sẽ là giờ đích thực của Chúa Giêsu” (TĐ.  TCL/TY, số 41)/

 

Vâng, ba chi tiết ấy: Mẫu tính mới mẻ, Mẫu tính ân cần, Mẫu tính có hiệu quả đã làm nên chân dung của Đức Trinh Nữ Maria, trong nhịp sống đức tin của tất cả mọi người, của các tín hữu và của toàn thể nhân loại. Và ngày hôm nay chúng ta có thể bạo miệng để nói: của toàn thể Giáo Hội nữa. Tại sao vậy? Thưa bởi vì vào lúc gần kết thúc Công Đồng Vaticanô II, các Nghị phụ đề nghị xin đưa danh xưng Mẹ Giáo Hội vào trong Hiến chế Lumen Gentium, nhưng rốt cuộc Uy ban Giáo lý Đức tin gạt bỏ bởi vì danh xưng này còn quá mới mẻ vào thuở đó, nói theo kiểu vui vẻ của chúng ta hôm nay thì cũng dễ thôi: có những lý do. Các ngài bảo: Mình nói: “Giáo Hội là Mẹ” từ trước đến nay đã quen rồi. Mẹ và Thầy từ thuở Gioan XXIII, thế bây giờ lại nói: Đức Maria là Mẹ Giáo Hội thì một cách nào đó, lẩn thẩn có người lại hiểu Đức Maria là Bà Ngoại Giáo Hội. Đến khi, lược đồ chương 8 được đưa vào Hiến chế Lumen Gentium, nói về Đức Trinh Nữ Maria thì chưa có danh xưng Đức Maria Mẹ Giáo Hội, nhưng trong bản văn kết thúc Công đồng, Đức Phaolô VI lại tìm cách đưa ra, và từ đó dần dần Thần học có dịp khai triển thêm, và cho đến hôm nay thì người ta đã trở thành quen miệng rồi.

 

Vì vậy, muôn thuở là dáng đứng Maria: Stabat Mater vẫn có đó từ thuở nào, mặc dù danh xưng người ta dành cho Đức Maria khác nhau, thời này thời kia, mặc dù Thần học có thể tiến triển mỗi lúc mỗi khác, nhưng Mẹ vẫn có đó trong Mẫu tính thần linh mở ra cho tất cả mọi người.

 

II. ĐỨC MARIA TRONG ĐỜI SỐNG LINH MỤC

 

Vâng, đó là nhãn giới của lời thứ ba, Đức Maria – Mẹ của tất cả mọi người chúng ta. Thế nhưng, trong cương vị của một Linh mục, của những người môn đệ gắn bó với Đức Kitô, được tuyển chọn để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô một cách gần gủi hơn, đặc biệt hơn, như chúng ta hôm nay. Vai trò của Đức Maria trong đời sống của các Linh mục hôm nay như thế nào, đó là điều muốn chia sẻ tiếp với tất cả cộng đoàn hôm nay.

 

Thực ra, cũng chẳng có gì là mới mẻ, có điều là các Đức Giáo Hoàng đã cố gắng khai triển những chi tiết này, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người nhấn mạnh một điều để may mắn cho chúng ta, thuộc thế hệ Y2K, thế kỷ 21 hôm nay, có được một tổng hợp khá đầy đủ về Đức Trinh Nữ Maria trong đời của người tín hữu, cách riêng, những Linh mục chúng ta.

 

Nếu như Đức Phaolô VI đã có công nhấn mạnh đến Đức Maria như là gương mẫu cho mọi tín hữu thì Đức Gioan Phaolô II lại có công rất lớn để nhấn mạnh đến Đức Maria như là hiền mẫu và mở ra cho tất cả mọi người một nhãn giới tích cực là một khi đón nhận Đức Trinh Nữ Maria vào trong đời sống đức tin của mình thì mình không phải chỉ sống như Mẹ mà còn sống với Mẹ và cuối cùng sống nhờ Mẹ nữa. Đó là ba điều muốn chia sẻ với chúng ta bây giờ:

 

 1. Sống như Mẹ

 

 Bây giờ người ta nói đến phạm trù người mẫu nhiều lắm, khắp nơi, đủ mọi kiểu. Cũng chẳng phải dài dòng với các cha làm gì. Trên tivi, chỉ cần bật ra là thấy thướt tha õng ẹo qua lại, đủ mọi thứ người mẫu, mẫu nam, mẫu nữ cũng có, mẫu trẻ em, mẫu học đường cũng có, và mẫu cả cho thế hệ già, xồn xồn U50. Xem ra nam giới xuất hiện trong lãnh vực người mẫu hơi mờ nhạt, chỉ trong vai trò làm nền, trong khi nữ giới lại có vai trò trỗi vượt hơn. Thôi thì kệ. Người ta bảo nữ giới là phái đẹp theo kiểu văn hóa chung chung, nhưng biết đâu nam giới cũng là phái đẹp không biết chừng. Đẹp của phái nam là đẹp khỏe mạnh, là đẹp hào hùng, là đẹp cao thượng, có điều người ta không quen nêu ra để làm mẫu đó thôi. Bây giờ thì trở lại với chia sẻ của chúng ta. Trước hết, đối với Linh mục ngày nay, Đức Maria xuất hiện trong dáng dấp một người mẫu, mẫu ở đây là mẫu gương. Mẹ nêu gương cho chúng ta trước hết trong vai trò Trinh Nữ lắng nghe, sau đó là Trinh Nữ nguyện cầu, tiếp theo là Trinh Nữ sinh hạ, và cuối cùng là Trinh Nữ dâng hiến. Đó là bốn hình ảnh lớn mà Đức Phaolô VI đã hữu ý nhắc nhở trong Tông huấn Marialis Cultus (2.2.1974, số 17-20) về lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria. Ngài mời gọi mỗi người, cách riêng các Linh mục hôm nay, khi đang soi bóng mình trong lời thứ ba của Đức Giêsu từ Thập giá để gặp được Đức Maria như là người mẫu, như là người Mẹ trong đời của mình, để soi bóng mình trong mẫu gương ấy mà sống đời Linh mục biết lắng nghe Lời Chúa, biết cầu nguyện, biết sinh hoa kết trái và cũng biết dâng hiến bản thân mình trở thành của lễ đẹp lòng Chúa.

 

 2. Sống với Mẹ

 

 Đối với Linh mục, Đức Maria còn xuất hiện trong dáng dấp của một hiền mẫu. Đây chính là ý tưởng của ĐGH Gioan Phaolô II. Ngài nhắc nhở mỗi người, trong đó có Linh mục, không chỉ noi gương Mẹ mà còn cùng với Mẹ trong tư cách là những người con một Mẹ, để dấn bước trên đường thánh hóa, trên đường phục vụ, và ngay cả trên đường truyền giáo. (Tông thư Rosarium Virginis Mariae, 16.10.2002, số 15-17). Ở đây, Đức Cố Giáo Hoàng muốn chia sẻ với mỗi người những cảm thức, cảm nhận, cảm nghiệm cá nhân của ngài. Tại sao ngài chọn khẩu hiệu: “Totus, tuus”? Tại sao ngài dâng mình trọn vẹn cho Đức Mẹ? Và cuối cùng ngài để lại một kinh nghiệm là một khi làm như thế người ta được cùng với Đức Trinh Nữ Maria trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, cùng với Đức Trinh Nữ Maria dấn bước nhìn về những hướng truyền giáo mới. Rõ ràng, ngài đã có công mở ra và mời gọi các Linh mục hôm nay gắn bó với Đức Trinh Nữ Maria trong mọi cảnh ngộ như trong mọi chọn lựa của đời sống phục vụ.

 

Sống Lời Chúa hôm nay, mỗi người được mời gọi mặc lấy tâm tình và kinh nghiệm của Mẹ để cho hoa trái lời thiêng được triển nở trên mọi nẻo đường. “Kinh Magnificat – có thể nói được là một tấm ảnh về linh hồn của Đức Mẹ – được dệt toàn bằng những sợi chỉ của Kinh Thánh, rút từ Lời Thiên Chúa. Nơi đây, ta thấy Đức Maria hoàn toàn gần gủi thế nào với Lời Thiên Chúa, ngài đi vào đi ra hết sức tự nhiên như trong nhà vậy. Mẹ nói và nghĩ với Lời Thiên Chúa; Lời Thiên Chúa trở nên lời của Mẹ và lời của Mẹ phát xuất từ Lời Thiên Chúa” (Beneditô XVI, Td. TCLTY số 41).

 

 3. Sống nhờ Mẹ

 

 Mỗi Linh mục hôm nay còn được mời gọi để nhìn Đức Trinh Nữ Maria như là Thánh mẫu nữa. Hiền mẫu và Thánh mẫu, sở dĩ phân biệt với nhau ở đây là muốn nhấn mạnh đến hai khía cạnh khác nhau. Khía cạnh hiền mẫu cho ta được đồng hành với Đức Trinh Nữ Maria: Mẹ Mẹ, con con bên nhau hạnh phúc. Còn khía cạnh Thánh mẫu, nhất là Thánh mẫu dưới chân Thập giá lại là một Mẫu tính đầy hiệu quả. Chính vì vậy, gắn bó với Đức Trinh Nữ Maria sẽ được ngày chuyển cầu, giúp đỡ trong mọi công trình mục vụ cũng như công trình thánh hóa. Nếu như năm xưa, Mẹ đã được sứ thần chào là:  Trinh Nữ đầy ơn phước, từ mầu nhiệm vô nhiễm nguyên tôi đến mầu nhiệm hồn xác lên trời, thì hôm nay phước lộc ngài vẫn còn dư đầy để sẵn sàng giúp đỡ sẻ chia. Mỗi người con cái, mỗi người môn đệ mới hôm nay nhờ đến Mẹ cũng sẽ được Mẹ chuyển cầu và ban những ơn lành cần thiết trên bước đường phục vụ. Mẹ như người đi đầu cho mỗi người hôm nay được tiếp bước theo sau; và nếu nhìn từ dưới chân Thập giá thì Mẹ quả là người đã mau mắn kết hiệp với cuộc khổ nạn của Đấng Cứu Thế, cho ta hôm nay lẽo đẽo theo sau và sẽ được mẹ níu kéo dìu dắt đi lên.

 

“Mối tương quan giữa Linh mục và Đức Trinh Nữ Maria không chỉ dựa trên nhu cầu bảo trợ và nâng đỡ, nhưng còn dựa trên nhận thức về một sự kiện khách quan: sự hiện diện của Mẹ chúng ta, một sự hiện diện có tác dụng làm cho Giáo Hội sống mầu nhiệm Chúa Kitô” (x. Paul VI, Marialis Cultus).

Kết:

 

Rất muốn trình bày ngắn, nhưng rốt cuộc vẫn phải lang thang dài dòng để mới có một chút gì trao đổi với tất cả Quý cha về lời thứ ba của Chúa Giêsu trên Thánh giá, cũng là về dáng đứng của Đức Trinh Nữ Maria trong đời của Chúa Giêsu Kitô và trong đời của mỗi Linh mục. Vấn đề còn lại là ta có làm như Gioan trong đoạn kết trình thuật Canvê là đem Mẹ về nhà mình hay không. Mong rằng tâm tình hôm nay còn sống động mãi để mỗi người cũng trở thành người con hiếu thảo và khả ái của Đức Trinh Nữ Maria trong dáng đứng muôn thuở, dáng đứng đã được chọn cho các tượng đài Đức Mẹ, một dáng đứng có Chúa Giêsu được nâng cao như sẵn sàng được trao gởi cho tất cả mọi người. Mong rằng chúng ta cũng tiếp nối dáng đứng ấy để có thể chia sẻ lại cho những người chúng ta gặp gỡ trên bước đường phục vụ.

 

“Lạy Mẹ Maria, mẹ đã thông phần trong công trình cứu chuộc khi đứng gần Thập giá của Con Mẹ, Mẹ liên kết chặt chẽ với công cuộc cứu thế. Trong khi thi hành thừa tác vụ, xin cho con luôn ý thức được chiều kích lạ lùng và sâu xa của sự hiện diện từ mẫu của Mẹ trong mọi thời điểm của cuộc đời, trong cầu nguyện và hoạt động, trong khi vui cũng như lúc buồn, khi mệt mỏi cũng như lúc nghỉ ngơi, lạy Mẹ của lòng trông cậy” (trích Lời kinh của Linh mục, phần kết Huấn thị “Linh mục: Mục tử và lãnh đạo Cộng đoàn Giáo xứ”

 

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

 

THẤP CAO CAO THẤP

 

 

Hòa mình với trào lưu thế giới trong việc làm giàu, Việt Nam ta cũng đang chú ý và phát động đến một nền công nghệ không khói, là “dịch vụ du lịch”.

 

Bởi vậy, trong những thời gian gần đây, khách ngoại kiều đến Việt Nam khá đông. Nhất là nơi những thành phố lớn hoặc thành phố biển.

 

Chiều hôm thứ bảy vừa rồi, sau giờ họp ở Tòa Giám mục Sài Gòn, tôi thả bộ dọc theo đường phố, có một đôi vợ chồng (tôi đoán thế) đi trước mặt làm tôi chú ý.

 

Chồng là một chàng Mỹ đen cao lớn.

 

Vợ là một cô gái Việt trắng trẻ, nhưng nhỏ nhắn, dễ thương.

 

Điều làm tôi chú ý hơn cả, là đôi giày rất đẹp và rất cao của cô gái. Cái đế có lẽ tới một tấc, nên cô bước đi rất cẩn thận, sợ ngã, và mỗi khi nói chuyện, cô thường ngước mặt lên.

 

Một ý tưởng đến với tôi:

 

Sao lại phải đi giày cao? Sao lại phải ngước mặt?

 

Người con gái ấy phải đi giày cao vì muốn mình đẹp hơn, nghĩa là muốn rút ngắn cái khoảng cách với chồng. Cố gắng nên hoàn thiện hơn.

 

Người con gái ngước mặt lên, là muốn gần chồng hơn, để có thể ngang tầm với nhau.

 

Thế đó, bước vào hôn nhân là để tìm gặp hạnh phúc. Bởi đó, mọi người phải cố gắng loại bỏ những yếu kém của mình. Phận người, ai cũng đầy những thiếu sót, cho nên, vì yêu, vì người yêu, mình phải cố gắng phát triển, để xứng đáng với người bạn trăm năm của mình.

 

Mình phải biết can đảm, nhận ra những thiếu sót ấy, để làm được điều này, mình phải biết khiêm tốn, dám chấp nhận sự thật.

 

Vì bước vào hôn nhân, là phải sống chung với người khác. Mà mỗi người là một khác biệt rất lớn, cho nên muốn có hạnh phúc, người ta phải chấp nhận đánh mất chính mình, để có thể hòa hợp với người kia. Và trong cái “đánh mất chính mình”, thì việc bỏ ý riêng mình, là một việc vô cùng hệ trọng.

 

Tôi biết, đi đôi giày đế cao ấy, có lẽ cô gái rất mỏi chân, khổ sở và rắc rối. Nhưng biết sao được, vì muốn đẹp hơn, muốn hoàn thiện hơn, nên phải chấp nhận khổ đau.

 

Trước đây mình vụng về lắm, trong việc nội trợ cơm nước, bây giờ muốn gia đình an vui, mình phải cố gắng học hỏi, tìm tòi.

 

Trước đây mình rất bê bối, rất luộm thuộm trong ăn mặc, nhà cửa để bề bộn lôi thôi, bây giờ, phải cố gắng thu xếp, cho gia đình được trật tự ngăn nắp.

 

Trước đây mình rất cộc cằn, chanh chua trong lời ăn tiếng nói, bây giờ, xin người hãy cố gắng mềm mỏng dịu dàng.

 

Trước đây mình quen ăn xài phung phí, tiền bạc mẹ cha, bao nhiêu cũng hết. Bây giờ vì tương lai con cái, vì những bất ngờ sẽ ập đến trong tương lai, bởi vậy, người hãy cố mà tiết kiệm lại, cố gắng dành dụm nhiều hơn.

 

Trước đây người rất thấp kém trong đời sống đạo đức, luôn biếng trễ trong các giờ kinh lễ, bây giờ trở thành gương mẫu cho chồng, cho con, nên xin người hãy cố gắng vượt qua sự lười biếng, bê trễ ấy, để trở thành một người vợ đạo đức, và một người mẹ tốt lành.

 

Rồi hai người cứ bước đi, đi về phía siêu thị. Họ lại nói chuyện với nhau. Và cứ mỗi lần người đàn ông nói, thì lại cúi xuống, trong khi người phụ nữ lại ngước lên.

 

Thế đấy, để có thể gặp gỡ, người ta phải biết cúi xuống để lắng nghe.

 

Lắng nghe ước muốn của nhau, ý định của nhau, lắng nghe góp ý của nhau. Sự lắng nghe ấy, vừa tỏ lộ sự quan trọng, vừa biểu lộ sự quan tâm.

 

Lắng nghe để biết tâm lý mà đối xử, để hiểu rõ hơn về “nửa đời” của mình.

 

Sự lắng nghe trong đời hôn nhân là một điều vô cùng quan trọng. Hầu hết những đổ vỡ, những xích mích, đều là do hiểu lầm, hoặc không hiểu tâm lý của nhau.

 

Người đàn ông phải bỏ đi cái kiểu độc tài phát xít, cho vợ chỉ là cái thứ đàn bà, không bao giờ cho vợ góp ý, không bao giờ thèm để ý đến ý kiến của vợ.

 

Dù thế nào, hai người cũng vẫn còn là hai con người. Mỗi người là một độc đáo, với một thế giới riêng tư lạ lùng. Không lắng nghe, ta không thể nào khám phá ra được, cái kỳ diệu của thế giới riêng tư ấy.

Biết lắng nghe, ta sẽ có nhiều cơ hội, để làm giàu thêm những yếu tố cần thiết trong mọi việc mình phải quyết định.

 

Khi biết lắng nghe, sẽ tạo được sự thông cảm cần thiết cho cả hai. Và khi đã biết thông cảm với nhau, ta sẽ tránh bỏ được những tức tối, đụng độ gây nguy hiểm cho sự hạnh phúc của gia đình.

 

Rồi bỗng nhiên, sau nụ cười khanh khách của cả hai người, tôi thấy hai người vắt tay qua lưng nhau, họ ôm eo ếch nhau bước đi.

 

Thế đấy, tình yêu hôn nhân là thế, hai người đỡ nâng nhau, để dìu nhau vào đời. Có thể nó sẽ hơi vướng trở để bước đi, nhưng chắc chắn một điều, sẽ thấy ấm áp hơn, an toàn hơn, và bước đi sẽ không cô đơn, bởi có điểm tựa cuộc đời.

 

Trích tập sách “ Cho tình nồng say 2” Lm. Đaminh Đỗ Văn Thiêm

 

ĐỌC SÁCH

 

TRONG ÐẠO

Câu chuyện người con hoang đàng trong Phúc Âm Luca cho ta thấy cần suy nghĩ nhiều về những người con "không" hoang đàng.

Chuyện kể về người cha có hai đứa con, đứa con thứ ra đi sống trác táng phá tan cả sản nghiệp. Ta kết tội nó là đứa con hoang đàng. Còn người con trưởng ở lại thì sao? Nó không bỏ nhà đi hoang, như thế là một mẫu mực rồi chăng?

Người cha lạc lõng

Người cha chỉ có hai đứa con. Khi con thứ bỏ nhà ra đi, ông còn lại người con trưởng. Trong câu chuyện ta không thấy nhân vật con trưởng này xuất hiện trong cuộc đời liên hệ với cha nó, không thấy liên hệ với em nó. Mãi đến cuối câu chuyện mới thấy xuất hiện, sự xuất hiện này là một bùng nổ đã âm ỉ từ lâu, nó chống lại cha nó và em nó.

Thật ra, người cha mất cả hai đứa con chứ không phải một.

Ðứa con thứ bỏ nhà đi. Ðứa con trưởng ở lại nhưng không sống với thái độ là con. Nó đã rõ ràng xác nhận như thế: "Tôi làm tôi cho ông" (Lc. 15: 29).

Lạc lõng không phải là một mình mà là không gặp cái mình tìm. Cái mình không cần mà vẫn có thì là dư, bởi thế, lạc lõng là đi giữa đoàn người mà vẫn thấy vắng, đi giữa cuộc đời mà cứ lẻ loi. Người cha có hai nỗi khổ tâm. Khổ tâm thứ nhất là vắng mặt của người con thứ. Khổ tâm thứ hai là có mặt mà như là thừa của người con trưởng.

Vắng mặt một người là mất mát, nhưng có nhớ. Nhớ và thương làm giây liên hệ tình cảm gần lại. Vắng mặt nên ta có nhiều chân trời tưởng tượng để sống với những cảm tình ấp ủ, với hy vọng. Do đó, có thể niềm an ủi của đau khổ vì mất mát là không đau khổ bằng có mặt mà thừa. Nếu có mặt mà thừa thì không còn chân trời nào để thoát nữa. Thực tế là phũ phàng phải đối diện mặt gặp mặt. Bởi đó, có mặt mà thừa thì dằn vặt hơn là vắng mặt mà nhớ.

Vào vị thế của người cha trong câu chuyện, Ðức Kitô mang cả hai tâm trạng đau khổ. Ðau khổ vì một đứa ra đi và khổ đau vì đứa ở lại trong nhà nhưng cõi lòng vẫn là cách xa.

Một cõi lòng xa cách

Xét về bản văn thì phần nói về người con trưởng cũng dài gần một nửa. Chiếm khá nhiều lời, bởi đó, ta có thể lưu tâm, tìm hiểu thái độ người con trưởng dựa vào trình thuật này.

Thái độ đối với cha: Ở trong nhà cha, nhưng anh ta sợ cha và vâng phục trong thái độ của kẻ làm tôi tớ. "Ðã bao năm trời tôi làm tôi ông." Như thế gần cha mà vẫn xa. Mỗi lần bỏ lễ Chúa Nhật, tôi bối rối vì tội. Nếu bối rối này đến vì sợ Chúa phạt chứ không phải tiếc nuối đến từ lòng mến thì Chúa chưa phải là cha. Ðôi khi nhìn vào lề luật, đã chẳng có những lúc thầm nghĩ: "Giả sử mình không có đạo thì đỡ hơn, bây giờ lỡ biết Chúa rồi không dám bỏ." Nếu đời sống đạo của tôi là thế thì tôi phải xin Chúa cho tôi gặp gỡ Ngài vì tôi ở trong nhà Ngài nhưng rất xa Ngài.

Thái độ với tha nhân. Anh ta gọi đứa em của mình là "thằng con của ông" (Lc. 15: 30). Anh ta gạt nó ra khỏi tình nghĩa liên hệ với mình. Làm sao trong Giáo Hội mà tôi có thể tách rời khỏi tha nhân. Khi hai xứ đạo bên cạnh nhau mà một xứ xây nhà thờ nguy nga, một xứ nghèo nàn. Lý luận thông thường là tuỳ ngoại giao của cha xứ, nếu ngài quen biết nhiều thì có nhiều tiền. Dĩ nhiên không thể có sự phân chia đồng đều tuyệt đối, nhưng cứ nhìn vào thực trạng, ta có nhiều dấu chỉ phải suy nghĩ về những mối liên hệ trong cộng đồng nhân loại và Giáo Hội.

Chúa Kitô đợi chờ những tấm lòng thao thức của con cái trong nhà đối với công việc của Người. Người làm công thì không thao thức, và họ chẳng có bổn phận phải thao thức. Tôi nghĩ, một phần vì nền giáo lý lúc còn trẻ, ta không được dạy cho ý thức sâu sa sự thao thức về Giáo Hội. Bởi đó, công việc truyền giáo, người giáo dân Việt Nam không đặt vấn đề suy niệm là bao. Ít khi ta băn khoăn nhìn một ngày mới và hỏi lòng, tôi sẽ làm gì cho Giáo Hội. Ít khi chiều về ta đặt thao thức Giáo Hội của tôi hôm nay thế nào. Có khi nào tôi cảm thấy niềm đau chung với Giáo Hội và hân hoan niềm vui với Giáo Hội không. Sự ít ý thức đó cũng là nguyên nhân phần nào đưa đến cạnh tranh nhau trong công việc tông đồ. Việc tông đồ của mình phải thành công hơn người khác, thậm chí có khi còn hạ người khác xuống. Ngày nào tôi không nghĩ tới Giáo Hội, ngày đó tôi chỉ là khách trọ trong Giáo Hội, hoặc là người làm công mà thôi. Giáo Hội đã bị giáo dục như là một cơ chế quyền bính hơn là nhà của tôi.

Tôi nghĩ thái độ làm công trong nhà của người con trưởng là đề tài rất quan trọng. Tại sao?

Ta hãy nhìn lại đoạn văn tả về thái độ "làm tôi tớ trong nhà" của người con trưởng với đoạn văn mà người con thứ nói với cha nó khi nó trở về. Trong các lớp Kinh Thánh, khi tôi đặt câu hỏi: Sau những ngày hoang đàng trở về, người con thứ thưa với cha mình như thế nào? Hầu hết các bạn đã trả lời thế này:

"Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với trời và trước mặt cha con không còn đáng gọi là con cha nữa. Xin xử với con như một người làm công của cha thôi" (Lc. 15: 18-19).

Câu trả lời này sai. Ðiều đáng buồn là có người đọc, nghe đoạn Tin Mừng này nhiều lần rồi mà không không biết sai ở chỗ nào. Câu trên đây là dự tính sẽ nói của nó khi nó còn đang phải chăn heo. Nó suy tính phải nói gì đây khi về gặp cha. Và nó đã sáng tác ra câu này. Ðộng lực thúc đẩy nó về là vì đói. Thánh Luca kể rằng "nó hồi tâm lại thấy biết bao người làm công có dư thừa bánh ăn mà nó phải chết đói ở đây. Thôi dậy, tôi về cùng cha tôi" (Lc. 15: 17-18). Vì thế, nó xin cha xử với nó như một người làm công. Ðối với nó câu này mang nhiều ý nghĩa.

Nhưng thật tuyệt vời là câu này lại bị người cha gạt bỏ. Ðối với nó, câu này là sống còn, phải xin cho bằng được làm công. Nếu không, lấy gì mà ăn. Khi gặp cha, nó lặp lại y chang những gì nó đã suy tính lúc còn chăn heo. Nhưng nó vừa nói tới câu "con không còn đáng gọi là con cha nữa", thì cha nó cắt ngang. Ông vội nói với gia nhân: "Mau mau đem áo thượng hạng mà mặc cho nó" (Lc. 15: 21-22). Như vậy là lúc nó thực sự nói với cha thì không có câu "xin xử với con như một người làm công."

Cái ý nhị và sâu thẳm trong đoạn văn, cái tinh tế trong lối viết của Luca là đó. Chúa không muốn nghe ta xin làm tôi tớ trong nhà. Dù có lỗi phạm, ta vẫn là con. Dù có phiêu bạt chân trời nào thì Chúa vẫn là cha. Chúa không đổi bản tính làm con xuống hạng tôi tớ. Im lặng mà lung linh tuyệt vời khi dừng chân nhìn vào ý nghĩa của đoạn văn ấy.

Nhìn thế, ta thấy đoạn văn đó liên hệ chặt chẽ với lời tự thú của người con trưởng: "Ðã bao năm tôi làm tôi ông." Lời này đã bị cha dìm đi, ông không muốn nghe, ông gạt đi khỏi miệng người con thứ, thì nó lại được người con trưởng công bố.

Người cha không muốn nghe người con thứ trở về nhà mà xin làm tôi tớ, hẳn ông khổ tâm thế nào khi người con trưởng xử sự với ông như chủ ông và gia nhân. Ðặt hình ảnh người con trưởng liên hệ trong toàn mạch câu chuyện ta thấy rõ hơn chiều sâu trong lối hành văn và nền thần học của Luca, và cái ý nhị của nền tu đức nữa là ta phải đặt một chiều sâu suy niệm với hình ảnh người con trưởng "không đi hoang" cần trở về như thế nào.

Lạy Chúa, so sánh mình với người khác có khi con thấy người khác cần trở về hơn con. Dấu chỉ con không cần trở về là con còn trong Giáo Hội, còn đi lễ, còn giữ các giới răn, có khi còn giữ chức vụ này nọ trong Giáo Hội. Không biết những lề thói con giữ đó có bảo đảm cho con rằng con gần Chúa không hay chỉ là tâm tình nô lệ. Biết đâu sự trở về của kẻ ở nhà lại cấp bách hơn kẻ đi xa. Nỗi đau khổ của cha vì đứa con thứ bỏ nhà đi chưa chắc đã nặng hơn nỗi khổ tâm do sự có mặt của người con trưởng. Biết đâu kẻ ra đi có nhớ, có thương.

Ðau khổ của nhớ thương là đau khổ buông theo chiều gió. Ðau khổ của có mặt mà thừa là đau khổ không có gió mà buông.

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J

trích trong "CON BIẾT CON CẦN CHÚA" của tác giả Nguyễn Tầm Thường.